Hậu dự án Thủy điện An Khê-Ka Nak: Những hệ lụy cần khắc phục ngay!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án thủy điện An Khê-Ka Nak được khởi công xây dựng tháng 11-2005, đến tháng 9-2010 nút cống, chặn dòng hồ chứa Ka Nak và hiện đã đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những tồn tại, hệ lụy của nó để lại cho nhân dân huyện Kbang (Gia Lai) không phải là nhỏ. 
Trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ còn nhiều bất cập, nhất là những phát sinh phải giải quyết đối với diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ. Trước khi tích nước lòng hồ Ka Nak, khoảng cách đi tới khu sản xuất của nhân dân khoảng 4-7 km; còn sau khi nút cống, tích nước, đến khu sản xuất phải đi đường vòng khoảng 25-27 km, có nơi tới 32 km; đường vào khu sản xuất phải qua nhiều đồi núi với độ dốc cao, qua rừng tự nhiên có nhiều hợp thủy; có một số khu vực không có đường đi, nên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. 
Đóng cống chặn dòng. Ảnh: L.A
Đóng cống chặn dòng. Ảnh: L.A
Trên cơ sở quy định tại Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện”, và dự lường trước được vấn đề phát sinh sau khi tích nước hồ chứa Ka Nak; nên, nhiều lần UBND huyện và tỉnh có văn bản đề nghị Ban Quản lý Thủy điện 7 (Ban 7) thu hồi, bồi thường số diện tích này cho dân. Ngày 5-9-2010, đồng chí Trưởng Ban 7 đã có Công văn số 1603/CV-ATĐ7 về việc thu hồi đất không ngập hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak”, theo đó, Ban 7 cam kết: Về diện tích đất bán ngập không có đường đi đến khu sản xuất, đồng ý thu hồi đất và cây cối, hoa màu… thực hiện công tác bồi thường theo Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (khối lượng sẽ được chuẩn xác khi đo đạc, kiểm kê). Song, gần 18 tháng nút cống hồ chứa Ka Nak, Ban 7 mới chỉ giải quyết được 17,6 ha đất trên ốc đảo, 130,22 ha đất bán ngập, còn lại toàn bộ diện tích đất không có đường đi vào khu sản xuất và có đường đi quá xa của các hộ dân trên cốt ngập lòng hồ, Ban 7 chưa giải quyết và cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 
Trước tình hình đó, nhiều lần UBND tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị EVN giải quyết diện tích đất nói trên nhưng đến nay chưa được thực hiện. Số diện tích đất chưa thu hồi bồi thường cho dân là 389,5 ha của 264 hộ dân thuộc xã Đak Smar, Lơ Ku và thị trấn Kbang (sau khi UBND huyện thành lập đoàn công tác, gồm các ngành chức năng của huyện, Ban 7 và các đơn vị tư vấn 3 lần đi khảo sát, đối soát diện tích tại thực địa). 
Theo Quyết định số 34/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại điểm b, khoản 3, Điều 4 quy định: “Trường hợp hộ tái định cư có đất sản xuất ở vị trí trên cốt ngập lòng hồ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ thì đất sản xuất tại nơi ở cũ bị thu hồi và được bồi thường theo khoản 1 điều này”. Vì chưa được giải quyết, cho nên hiện nay nhân dân hết sức bức xúc. Tại các buổi tiếp công dân vào sáng thứ bảy hàng tuần của UBND huyện và cả các ngày khác trong tuần, nhiều hộ dân đã tụ tập đông người để khiếu nại và yêu cầu thu hồi đất, bồi thường và đã có đơn khiếu nại, kiến nghị tập thể về vấn đề này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh-chính trị, trật tự-an toàn xã hội trên địa bàn huyện. 
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 213/QĐ-UBND, ngày 29-3-2011 của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt phương án khoán quản lý bảo vệ rừng với 652 ha cho 65 hộ dân đồng bào Bahnar làng Groi-thị trấn Kbang bị mất đất sản xuất để phục vụ dự án này (thay cho phương án giải quyết thiếu đất sản xuất tái định canh) với số tiền 2.515.252.800 đồng, từ nguồn kinh phí dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak triển khai, thời gian chi trả kinh phí giao nhận khoán quản lý bảo vệ rừng chậm nhất đến ngày 29-4-2011; nhưng đến nay gần 1 năm, Ban 7 cũng chưa thực hiện; trong khi đó người dân cũng chưa được giao đất tái định canh nên đời sống của họ gặp khó khăn, thiếu đói.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn-2012, UBND huyện đã chủ động xuất ngân sách huyện 37,2 triệu đồng để mua gạo cứu đói cho 41 hộ dân làng Groi trong dịp Tết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ 1 vụ hoa lợi cho các hộ dân chưa được nhận đất tái định canh (đất nà thổ và đất lúa nước), vì chưa khai hoang, xây dựng đồng ruộng xong (khu vực tái định canh dốc Lồ Ô, xã Lơ Ku, khu định canh làng Krối 1, xã Đak Smar…), nhưng Ban 7 cũng chưa giải quyết cho dân. Hay một số hạng mục các công trình xây dựng tại khu tái định cư của xã Đak Smar, gồm sân bê tông, lối đi lại trung tâm xã, đã nhiều lần huyện đề nghị nhưng Ban 7 vẫn chưa triển khai thực hiện…
Để sớm giải quyết những hệ lụy, tồn tại hậu dự án này, góp phần an dân, ổn định đời sống, sản xuất phát triển kinh tế gia đình cho nhân dân hiện nay, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần chủ động mời EVN và Ban 7 họp xem xét, giải quyết dứt điểm.
Công Đạo

Có thể bạn quan tâm