Kinh tế

Hậu xăng dầu tăng giá: “Nước lên, bèo… không dám nổi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một tuần tăng giá xăng dầu lên mức kỷ lục (xăng tăng 1.430 đồng/lít, dầu diezel tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít…), hầu hết các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh đều không dám tăng giá bởi sức mua hiện nay khá yếu, nếu tăng giá… chỉ có nước ế.

Doanh nghiệp vận tải “cắn răng” chịu lỗ

Không những không dám tăng giá theo xăng dầu mà nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn hiện nay còn phải “cắn răng” hạ giá, khuyến mãi để kích cầu. Theo ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Hãng xe khách Hồng Hải cho biết: “Nếu tính giá đúng để tái đầu tư thì vé đi TP. Hồ Chí Minh doanh nghiệp phải bán là 300.000 đồng/vé (xe giường nằm).

 

Xăng dầu tăng giá khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng càng thêm gánh nặng. Ảnh: L.L

Thế nhưng, để kích cầu, doanh nghiệp đã phải hạ giá vé xuống còn 250.000 đồng/vé. Ngay cả tuyến Pleiku-Đà Nẵng, doanh nghiệp cũng phải hạ xuống còn 180.000 đồng/vé (rẻ hơn 40.000 đồng/vé so với trước đây)”. Tương tự đa số các hãng xe vận tải hàng hóa cũng không dám tăng cước mà vẫn “gắng gượng” ở mức giá 420.000 đồng-450.000 đồng/tấn đối với hàng từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai, trường hợp tăng cước cũng chỉ dám nhích thêm vài ba chục ngàn/tấn (tức là tăng lên khoảng 460.000 đồng-470.000 đồng/tấn).

Dù sao đối với doanh nghiệp vận tải khách và hàng hóa còn “dễ thở” vì giá dầu chỉ tăng vài trăm đồng, hơn nữa lãi suất ngân hàng cũng đã giảm. Nhưng các doanh nghiệp taxi-đơn vị ảnh hưởng khá lớn do mức tăng của xăng cao thì sức ép tăng giá khiến doanh nghiệp đau đầu.

Ông Đặng Đức Kham- Giám đốc Hãng taxi Mai Linh Gia Lai cho biết: “Xăng tăng quá bất ngờ khiến doanh nghiệp “trở tay” không kịp, chịu nhiều tổn thất do trước đó hai ngày doanh nghiệp vừa tốn chi phí kiểm định lại đồng hồ, nay giá xăng tăng buộc phải kiểm định lại lần nữa khi điều chỉnh giá. Vậy nhưng, mức tăng cước của doanh nghiệp tối đa cũng chỉ 50% so với mức ảnh hưởng của xăng, 50% còn lại doanh nghiêp buộc phải chấp nhận “gánh” lỗ.

Hiện giá cước taxi của Mai Linh tăng lên từ 2% đến 4% (2% đối với xe hợp đồng đường dài). Tình hình kinh tế khó khăn, việc kinh doanh taxi hiện rất ảm đạm, tài xế bỏ việc vì thu nhập thấp ngày càng nhiều. Nếu xăng tăng tài xế taxi càng khó sống vì đa số các doanh nghiệp taxi đều khoán xăng cho lái xe, do đó doanh nghiệp buộc tăng giá để chia sẻ với lái xe”.

Để tiếp tục “gồng gánh”, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều phải cố gắng giảm chi phí tối đa, hoặc chỉ dám tăng giá một phần, còn một phần chấp nhận lỗ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc tăng giá cước đối với doanh nghiệp vận tải đang là một bài toán “mạo hiểm”.

Doanh nghiệp tiêu dùng khuyến mãi để kích cầu

Kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm khiến doanh thu nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa những tháng gần đây bị ảnh hưởng trầm trọng. Thêm vào đó việc tăng cước vận tải khiến doanh nghiệp khó khăn càng thêm khó khăn.

Dù vậy, trước sức ép của việc tăng doanh số, thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng vẫn phải giữ giá không dám tăng, thậm chí tung nhiều “chiêu” khuyến mãi để hút khách, kích cầu. Là hệ thống siêu thị bán lẻ khá lớn trên toàn quốc, đặc biệt với vai trò nòng cốt trong chương trình bình ổn giá, kiềm chế lạm phát nên dù đối mặt với khó khăn, Co.op Mart Pleiku vẫn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm chia sẻ với người tiêu dùng.

Điển hình như chương trình khuyến mãi lớn nhân dịp sinh nhật thứ 17, Co.op Mart triển khai từ ngày 6-4 đến ngày 3-5 với kinh phí lên hơn 130 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhiều mặt hàng giảm giá đến 40-50%. Đây được xem là động thái tích cực của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các tiểu thương kinh doanh ở các chợ hay chủ tiệm tạp hóa cũng cho rằng, tăng giá hàng hóa lúc này chỉ làm tình hình càng thêm ảm đạm. Kinh doanh sau Tết vốn đã ế ẩm thì thời điểm “giáp hạt” này càng ế ẩm hơn. Do đó, hầu hết các tiểu thương buộc phải giữ giá để níu kéo khách hàng. Chị Hà-một tiểu thương buôn cá từ Quy Nhơn cho hay: Xăng dầu tăng đương nhiên cước cũng như giá mỗi giỏ hàng cũng tăng thêm vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng tùy loại. Dù vậy, chúng tôi cũng chẳng dám tăng vì sợ mất khách. Thay vì bỏ sỉ như trước, tôi tranh thủ bán lẻ thêm để bù chi phí.

Rõ ràng việc xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quy luật “nước nổi, bèo nổi” càng thể hiện sự bất ổn của thị trường.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm