Tin tức

HĐBA bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề Syria

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện trường một vụ đánh bom kép tại Damascus.
Hiện trường một vụ đánh bom kép tại Damascus.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 29-5 tuyên bố không thể loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Syria để chấm dứt khủng hoảng, nhưng hành động này phải được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Tổng thống Pháp nói "không loại trừ can thiệp quân sự, miễn là việc này được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, có nghĩa là thông qua quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".

Ông Hollande cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, đồng thời nhấn mạnh cần phải thảo luận với Nga và Trung Quốc về vấn đề Syria. Dự kiến, Pháp sẽ đăng cai hội nghị Những người bạn của Syria vào đầu tháng Bảy tới.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng can thiệp quân sự vào Syria trong thời điểm này không phải là hướng hành động đúng đắn, bởi vì sẽ dẫn đến hỗn loạn và tàn sát hơn nữa.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cũng cho rằng can thiệp quân sự có nguy cơ "lành ít dữ nhiều". Ông cho biết Lầu Năm Góc chưa được chỉ thị đưa ra các kế hoạch cho phương án quân sự tại Syria, hiện tại vẫn tập trung vào giải pháp ngoại giao và kinh tế.

Tuy nhiên, có tin cho biết trước sức ép của các nghị sỹ muốn Mỹ phải mạnh tay hơn, Nhà Trắng đang soạn thảo một khuôn khổ pháp lý chuẩn bị cho khả năng mở rộng can dự của Mỹ vào tình hình Syria.

Diễn biến trên cho thấy phương Tây vẫn chưa thể thống nhất về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Vụ thảm sát hơn 100 người tại làng Houla, miền Trung Syria cuối tuần qua đã gây dư luận lên án mạnh mẽ; một loạt nước đã trục xuất các đại diện ngoại giao của Syria để phản đối và gia tăng sức ép với chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng động thái này chủ yếu mang tính tượng trưng, khi mà các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn bất đồng về giải pháp. Mỹ và các đồng minh châu Âu không ngừng thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt Damascus nhưng chưa đạt mục đích.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Hội đồng Bảo an cho biết "chưa có dấu hiệu Nga và Trung Quốc ủng hộ trừng phạt cứng rắn hơn, bất chấp vụ việc ở Houla".

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland bày tỏ hy vọng Nga sẽ thay đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng tại Syria. Bà Nuland cho biết "Mỹ đánh giá cao việc Nga sẵn sàng giúp điều tra về vụ thảm sát tại Syria" và hy vọng đây sẽ là một điểm bước ngoặt trong quan điểm của Nga.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) tại Syria Kofi Annan, trong đó ông Lavrov kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "khách quan và không thiên vị" nhằm làm rõ nguyên nhân thảm kịch trên.

Bà Nulan cũng thông báo Đại biện lâm thời của Syria Zuheir Jabbour phải rời Mỹ trong vòng 72 giờ tới do Mỹ phản đối vụ thảm sát tại Houla. Như vậy, đến nay các nước Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Canada, Australia, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bulgaria đã trục xuất đại diện ngoại giao của Syria.

 

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm