Nếu xét về góc độ kinh tế, hay bất kỳ lĩnh vực nào thì mỗi địa phương cũng đều có một thế mạnh riêng. Ở làng này, xã này là tiềm năng đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi, huyện kia được thừa hưởng bề dày truyền thống anh hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hay những nét độc đáo về văn hóa, thắng cảnh, du lịch... Với xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) bên cạnh cơ chế ưu đãi đầu tư của Nhà nước là những cống hiến đến từ người lính, tựa như “đôi cánh” để vùng đất anh hùng này ngày một vươn cao…
Câu chuyện của Đại úy Nguyễn Hồng Tươi- cán bộ tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã khiến tôi có cảm giác anh đã thực sự trở thành chủ nhân của đất rừng biên giới Ia Mơr. Nếu tính cả thời gian công tác ở Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr thì đến nay Đại úy Nguyễn Hồng Tươi đã có gần 20 năm lăn lộn với vùng biên đầy nắng và gió này, trong đó có tới 12 năm làm cán bộ tăng cường rồi giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Không quá dài trong cuộc đời binh nghiệp, nhưng ngần ấy là quá đủ để anh bắt nhịp vào hơi thở cuộc sống trên 4 ngôi làng biên giới.
Tuyển chọn bò giống. Ảnh: T.K.N |
Trò chuyện với tôi trên đường đi công tác, Nguyễn Hồng Tươi vui vẻ cho biết: “Từ trước Tết đến giờ, công việc cứ chồng lên công việc. Vừa ổn định xong nơi định cư mới cho 124 hộ gia đình ở làng Náp và làng Khôi, lại quay sang cùng với Đồn Biên phòng tuyên truyền vận động bà con tham gia làm công nhân cao su tại các doanh nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây lúa nước để chuẩn bị đón đầu công trình đại thủy nông Ia Mơr sắp được khởi công xây dựng tới đây. Bên cạnh đó là những công việc thường xuyên như củng cố kiện toàn thực lực chính trị tại địa phương, xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn làng và tổ chức các cuộc họp dân chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới... Công việc bề bộn như thế nhưng với tôi đó là niềm vui. Xã biên giới Ia Mơr đang đứng trước cơ hội lớn trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo nên những người cán bộ cơ sở như chúng tôi đây phải vận động và cống hiến thật nhiều…”.
Quả đúng là Ia Mơr đang đứng trước cơ hội lớn để “trở mình” vươn lên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nói chung, huyện Chư Prông nói riêng. Với những người con của vùng đất anh hùng này, công trình đại thủy nông Ia Mơr được Nhà nước đầu tư xây dựng chính là món quà đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17-3-1975 – 17-3-2011). Nói là “đại thủy nông” bởi bên cạnh tổng giá trị đầu tư lên đến trên 4.600 tỷ đồng, tưới tiêu cho 12 ngàn ha đất thuộc 2 huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Suop (Đak Lak) công trình này còn tạo nên một “lá phổi xanh” trên vùng biên giới, giúp các địa phương giải quyết tốt bài toán đa dạng hóa nông nghiệp.
Riêng xã Ia Mơr, ngoài số diện tích canh tác cây lúa nước, về lâu về dài có thể xây dựng được thương hiệu gạo chất lượng cao, là một vùng nguyên liệu cao su, điều, bắp, mì cao sản, trong đó “điểm nhấn” chính là cây cao su. Tính đến thời điểm này, đã có 4 doanh nghiệp triển khai dự án trồng cao su trên đất Ia Mơr với tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha và bước đầu cũng đã tuyển dụng được gần 150 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ (nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tới). Khai thác tốt tiềm năng sản xuất cây lúa nước, cao su, điều và một số cây nông nghiệp ngắn ngày khác, con đường phát triển dành cho Ia Mơr đang rộng mở phía trước… Tuy nhiên, đấy là chuyện của tương lai, còn hiện tại vùng đất này vẫn rất cần sự vận động và cống hiến của những cán bộ cơ sở.
Đi đôi với phong trào phát động quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền củng cố kiện toàn thực lực chính trị cơ sở, Đồn Biên phòng Ia Mơr còn tích cực phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là Đoàn Kinh tế Quốc phòng 710- Binh đoàn 15 triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 182 của Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Nghị quyết 03 của Huyện ủy Chư Prông về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng vùng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày qua ngày, những người lính vùng biên vẫn miệt mài bám sát địa bàn, hòa vào hơi thở cuộc sống nơi buôn làng để cùng với bà con định canh, định cư, xây chuồng, lập vườn, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp. Hàng loạt mô hình trình diễn trồng lúa nước, phát triển vườn điều, trợ vốn chăn nuôi lần lượt ra đời, ghi đậm dấu ấn của hai sắc lính vùng biên và trở thành “sản phẩm” đặc sắc của tình đoàn kết quân dân. Sẽ không quá lời nếu nói Ia Mơr đang ngày một vươn cao nhờ vào “đôi cánh” của những người lính. Song hành với bước chân của người chiến sĩ Biên phòng là “cuộc cách mạng” chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến từ bộ đội làm kinh tế quốc phòng Binh đoàn 15 và sự cống hiến thầm lặng của những người lính đi ra từ khói lửa chiến tranh. Trở về với cuộc sống đời thường, nữ cựu chiến binh Ksor H’Lâm được bà con ở làng Krông tín nhiệm bầu làm già làng-một chức danh xưa nay vốn chỉ dành cho đàn ông. Để “tại vị” trên “chiếc ghế” này suốt mười mấy năm qua, Ksor H’Lâm đã dành trọn tất cả công sức, trí tuệ, tâm huyết của mình cho hai chữ “thương dân”.
Bà trăn trở, nghiên cứu, học hỏi, tìm ra cách xóa đói giảm nghèo đơn giản mà hiệu quả cho buôn làng. Trong số những mô hình mà nữ già làng Ksor H’Lâm cùng với Đồn Biên phòng Ia Mơr triển khai thực hiện thời gian qua, đáng kể nhất là chuyện “lùa” cả đàn bò nhà mình đi từ làng Krông, Klả qua làng Náp, làng Khôi chỉ với mục đích cho bà con mượn con giống tạo vốn chăn nuôi. Đàn bò cứ thế phát triển từ nhà này qua nhà khác giúp cho tiếng nói của nữ già làng ngày càng có trọng lượng và bay xa hơn. Chính tình thương và trách nhiệm đã tạo uy tín cho già làng trước cộng đồng nên chẳng có cuộc họp nào lại vắng bóng bà. Mười mấy năm “giữ ghế” già làng, đã có không biết bao nhiêu danh hiệu của các cấp, các ngành dành tặng cho người nữ cựu chiến binh này mà mới đây nhất bà được bầu chọn gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Nghe chúng tôi hỏi về bí quyết thành công trong công việc, nữ già làng Ksor H’Lâm cười bình dị và mộc mạc như chính con người của bà vậy: “Mình thương dân là yêu nước. Bài học này mình tiếp thu được từ hồi còn khoác trên mình bộ áo lính dưới lửa đạn chiến tranh. Bộ đội Cụ Hồ nhất thiết phải thương dân…”.
Câu chuyện về nữ già làng Ksor H’Lâm, của Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Hồng Tươi và những người lính Biên phòng đến từ Đồn Ia Mơr, hay những cuộc “hội nghị đầu bờ” của bộ đội kinh tế Binh đoàn 15 chính là những họa tiết chủ đạo trong bức tranh phát triển của đất rừng biên giới Ia Mơr. Đó là “đôi cánh” góp phần nâng đỡ, giúp Ia Mơr ngày càng vươn cao.
Thái Kim Nga