Hiểm họa từ việc sinh con tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Ia Băng (huyện Chư Prông), trong năm 2010, toàn xã có 107 trẻ được sinh ra, song chỉ có 2 trường hợp sinh tại Trạm Y tế xã, còn lại đều chọn cách sinh con tại nhà, chủ yếu là sản phụ người dân tộc thiểu số.

Dù đã có đến đứa con thứ 4 song chị Kpă Ve (làng Bak) vẫn chẳng tạo cho mình thói quen ghi nhớ ngày sinh để rồi lần mang thai thứ 5 chị vẫn phải  tự “vượt cạn”. Khi sinh xong, chị nhờ cô con gái lớn (khoảng chừng 13 tuổi) đi mua dao lam về khử trùng và ngồi dậy tự cắt dây rốn. Ở các lần sinh trước đó-trừ lần sinh con đầu lòng, chị đều tự sinh ở nhà hoặc nhờ bà đỡ thôn làng xuống giúp, thay vì đi bệnh viện.

Kiểm tra sức khỏe bà mẹ tại cơ sở y tế. Ảnh: N.G
Không riêng gì sản phụ là người dân tộc thiểu số mà nhiều sản phụ khác trong xã cũng chọn giải pháp sinh con tại nhà và chủ quan cho rằng mình đã có kinh nghiệm. Chị Puih Bleh ở làng Băng chia sẻ: Lần đầu mang thai, vợ chồng tôi rất lo lắng nên hàng tháng đều đi khám thai định kỳ theo lời dặn của bác sĩ để biết sức khỏe của thai nhi, khi nào thì cần nghỉ ngơi, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho việc sinh con… Nhưng đến lần sinh sau, do chủ quan không nhớ chính xác ngày sinh, đến khi đau bụng chưa kịp kêu bà đỡ, đứa trẻ đã ra đời... Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khiến nhiều sản phụ chọn cách tự sinh mà không cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, nhân viên y tế hay bà đỡ thôn làng là do tiền công của các bà đỡ quá cao, nhiều gia đình không đủ tiền để trả hoặc vì tiếc tiền nên đành liều với chính tính mạng của cả mẹ và con.

Bên cạnh những đứa trẻ ra đời thuận lợi “mẹ tròn con vuông” thì vẫn còn những sản phụ sau khi sinh do không được chăm sóc, kiêng cữ cẩn thận nên bị viêm nhiễm; có trẻ sau sinh bị sa ruột phải đưa đi cấp cứu… Nhưng điều may mắn nhất là từ nhiều năm qua ở đây không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Ông Võ Ngọc Anh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Băng, cho biết: Toàn xã có 857 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mặc dù cán bộ y tế và cán bộ dân số thường xuyên xuống thôn, làng để vận động, tuyên truyền phụ nữ trong thời kỳ mang thai đi khám thai định kỳ nhưng nhiều người-nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý e ngại nên không ít trường hợp thai nhi yếu, sinh khó ảnh hưởng sức khỏe về sau. Để phục vụ việc thăm khám, Trạm có 3 giường bệnh cũng như các thiết bị y khoa phục vụ cho việc sinh nở nhưng rất ít cơ hội đem ra sử dụng… Ông Anh cũng khuyến cáo một số “sơ suất” có thể xảy ra khi sản phụ sinh con tại nhà: Nếu gặp phải trường hợp sinh không thuận, sản phụ sẽ dễ bị băng huyết hoặc không đảm bảo sự vô trùng, có thể bị nhiễm trùng… Hơn nữa, sau khi sinh sức khỏe bà mẹ còn rất yếu, nếu sinh tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế thì có bác sĩ theo dõi sẽ đảm bảo hơn cho sức khỏe của sản phụ. Đặc biệt, khi gặp phải trường hợp thai khó, thai ngược… sẽ nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé

Không riêng xã Ia Băng mà ở một số địa phương khác trong tỉnh, nhiều sản phụ vẫn còn chủ quan, chủ yếu các chị em người dân tộc thiểu số còn mang nặng tâm lý e dè, do vậy chọn cách sinh con tại nhà với quá nhiều rủi ro.
Anh Huy

Có thể bạn quan tâm