“Hiến kế” cho thư viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 27-11, buổi gặp mặt 50 bạn đọc tích cực do Thư viện tỉnh tổ chức đã diễn ra trong không khí ấm cúng, sôi nổi. Sự có mặt đông đủ của khách mời đã khẳng định chỗ đứng vững chắc của văn hóa đọc trong “thị trường thông tin” phong phú hiện nay, và sự cầu thị của lãnh đạo Thư viện tỉnh cũng cho thấy những nỗ lực đáng quý nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao dân trí.

Tại buổi gặp mặt, nhiều bạn đọc đều nhìn nhận một thực tế: Tuy mở cửa 7 ngày/tuần với hàng kho sách quý cùng những tư liệu được cập nhật hết sức kịp thời, thái độ đón tiếp của cán bộ và nhân viên cũng “rất tuyệt vời” song sức hút của thư viện vẫn giảm so với trước kia.

Vất vả “cạnh tranh”

Ông Đào Thương tích cực góp ý cho thư viện tỉnh. Ảnh: Phương Duyên
Trước sự phát triển nhanh chóng của các kênh thông tin và sự tất bật của đời sống, nhiều độc giả không còn duy trì thói quen đến thư viện đều đặn. Nếu có điều kiện, nhiều người thường chọn mua sách thay vì đến thư viện mượn sách “Bây giờ ra siêu thị sách là thấy sách bạt ngàn. Ngay cả cha mẹ khi chọn sách cho con cũng lúng túng”- ông Nguyễn Ngọc Hòa, một cán bộ hưu trí, nhận xét. Bên cạnh đó, nói như ông Đào Thương, giáo viên tiếng Anh, thư viện còn phải vất vả “cạnh tranh” với những kênh thông tin khác rất đa dạng về hình thức và nội dung như ti-vi, internet…

Là bạn đọc thân thiết gắn bó với Thư viện tỉnh từ khi còn là một thiếu niên, bác sĩ Chung Son hoàn toàn có cơ sở khi ước định: “Lượng độc giả thư viện/số dân hiện nay đã giảm nhiều so với 30 năm trước”, đặc biệt là lượng độc giả là trẻ em, thanh thiếu niên. Trong bối cảnh không mấy thuận lợi đó, Thư viện tỉnh lại nằm ngay ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku), “ồn ào và bụi bặm quá, trong khi một thư viện phải có không gian thoáng đãng, có cây xanh, bóng mát, con người mỗi khi đến với thư viện sẽ thấy tâm hồn sự thanh thản”- ông Hoàng Tấn Ninh, một độc giả là kế toán, phàn nàn.

Chưa kể, theo đa số bạn đọc, loa phát thanh của phường đặt gần thư viện cũng gây ồn ào, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian đọc sách vốn rất cần sự tập trung và tĩnh lặng. Ngay cả bà Mai Thị Loan- Giám đốc Thư viện, cũng thừa nhận những bất lợi của một thư viện có không gian nhỏ hẹp, nhiều tầng: “Nhiều lúc tôi lên tới tầng 2 là phải dừng lại… thở dốc rồi mới đi tiếp được”. Tất cả những yếu tố nói trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của thư viện. Vì vậy, “làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động của thư viện, làm gì để bạn đọc đến với thư viện nhiều hơn?” là câu hỏi mà ông Hồ Văn Chỉnh- cán bộ hưu trí, một trong những bạn đọc lâu năm nhất của thư viện-đau đáu đặt ra.

Bạn đọc “hiến kế”

 
Trước thực tế này, bạn đọc tích cực đã tích cực “hiến kế” nhằm giúp Thư viện tỉnh củng cố thêm chỗ đứng trong lòng độc giả. Ông Hồ Văn Chỉnh cho rằng thư viện nên cho phép những độc giả thân thiết được trực tiếp vào kho tìm sách thì sẽ nhanh hơn và người đọc cũng thỏa mãn hơn. “Nhiều khi đọc xong cuốn sách thấy hay quá mà không biết bàn luận với ai. Vì vậy, lâu lâu cũng nên tổ chức gặp mặt độc giả để cùng phổ biến cái hay của sách cho nhiều người”- ông Chỉnh đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu quan điểm: Để thu hút bạn đọc, thư viện cần có sự định hướng, quan trọng nhất là định hướng về tư tưởng; vì vậy “nên tổng hợp sách hay, đưa ra danh mục để bạn đọc dễ lựa chọn”. Ông Hòa cũng lưu ý những cán bộ đi chọn và bổ sung sách cần xem kỹ những cuốn sách “bình mới rượu cũ”, tuy ruột sách y hệt nhau nhưng bìa khác, giá khác. Ông Đào Thương, đề nghị thư viện nên có thêm sách về Ngoại văn, hoặc liên kết với thư viện các nơi để nếu độc giả mượn sách mà không có thì thủ thư có thể chủ động mượn giùm (như thư viện của nhiều nước khác đã làm). Ông Thương còn đề xuất nên thông qua sự tài trợ của các Tòa Đại sứ, các Trung tâm trao đổi văn hóa để bổ sung những đầu sách về văn hóa-đất nước-con người của các nước, đồng thời nên tổ chức thêm nhiều hoạt động hấp dẫn khác như hội thảo, triển lãm, các buổi diễn thuyết, chiếu phim tư liệu…

Làm thế nào để thu hút lượng độc giả trẻ tuổi là vấn đề được quan tâm khá sâu tại buổi gặp mặt được xem như một hội thảo chuyên đề mini này. Với gợi ý nên chú trọng vào việc truyền bá văn hóa đọc đối với lứa học sinh từ THCS của một độc giả, bạn đọc Hoàng Thị Bích Hồng- một cán bộ y tế, cho rằng thư viện nên có những buổi giới thiệu sách vào các buổi chào cờ ở một số trường học, đặc biệt là giới thiệu những cuốn sách, tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thành niên. Ngoài ra, theo bà Hồng, làm tủ sách lưu động đến các vùng sâu vùng xa cũng là điều mà thư viện tỉnh nên để tâm.

Đối với bác sĩ Chung Son nên xã hội hóa thư viện. “Sao không làm mô hình cà phê sách tại thư viện? Ngồi đọc sách báo và uống ly cà phê thì rất thú vị”. Ông Hoàng Tấn Ninh cũng mong chờ đến ngày có một “thư viện xanh” không ồn ào, không bụi bặm và yêu cầu thư viện nên đề xuất với UBND tỉnh để đáp ứng nhu cầu chính đáng này của bạn đọc tỉnh nhà. Là một bạn đọc hết sức yêu mến thư viện tỉnh, ông Nguyễn Lê Trường, cán bộ hưu trí, lại có băn khoăn khác: “Lệ phí làm thẻ và tiền cược sách quá thấp, đề nghị tăng lên cho phù hợp với giá cả hiện nay. Nhiều cuốn sách giá đến 70-80.000 đồng, nhưng tiền cược chỉ có 50.000 đồng, nếu có người mượn rồi lấy luôn thì sao?”…

Trước những góp ý chân tình nói trên, bà Mai Thị Loan- Giám đốc Thư viện tỉnh, khẳng định: “Chúng tôi trân trọng tình cảm của bạn đọc dành cho thư viện. Dù còn khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu bạn đọc”. Bà Loan cho biết thời gian tới trong điều kiện có thể sẽ làm thư viện mở (cho phép một số bạn đọc thân thiết vào kho chọn sách); tổ chức CLB những người thích đọc tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, sách khoa học ứng dụng; kéo dài định kỳ mượn sách lên 15 ngày thay vì 10 ngày như trước (thực tế, lâu nay bạn đọc đã có thể nhờ gia hạn bằng điện thoại); đáp ứng nhu cầu về các loại sách mới và tài liệu, trong đó có tài liệu Ngoại văn nếu bạn đọc đăng ký; tiếp tục trao giải bạn đọc tích cực cho học sinh các trường để khuyến khích văn hóa đọc. Riêng đề xuất tăng mức lệ phí và tiền cược sách, bà Loan cho biết: “Đây là mức thu cách đây 5 năm do UBND tỉnh quy định. Muốn thay đổi phải thông qua HĐND và do UBND tỉnh quy định”. Ngoài ra, đề xuất xã hội hóa thư viện và xây dựng “thư viện xanh”, theo bà Loan cần có thêm thời gian vì vấn đề cơ chế và kinh phí.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm