Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Hiên nhà nhớ mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lúc còn nhỏ, mẹ dạy tôi biết yêu sự tinh khôi của buổi sáng, bố dạy tôi thấm thía từng chiều. Và có lẽ tâm hồn tôi đã đầy ắp những cảm xúc từ thuở ấy.

Thường thì, sau bữa trưa, khi con gà trống nhà ai đó cất tiếng gáy xa xăm là lúc tôi chìm vào giấc ngủ nhờ làn gió mát từ chiếc quạt nan của mẹ. Sau này, chiếc quạt hiện đại hay dàn điều hòa cao cấp cũng không thể đưa tôi vào giấc ngủ dịu dàng như thế.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Lớn lên, như bao đứa trẻ tinh nghịch khác, tôi bắt đầu tìm cách trốn giấc ngủ trưa. Nhớ một lần, sau khi giả vờ lim dim, thấy mẹ đã đi nằm, tôi trốn đi chơi khá xa. Mặc kệ cơn buồn ngủ kéo đến, tôi vẫn say sưa với những “âm mưu” mà mình đã dự định từ trước. Mất giấc ngủ, người tôi trở nên phờ phạc, tay chân rã rời.

Chiều đó, lúc đi làm về, bố nhìn tôi và hỏi: “Con có biết bố đi làm đánh mất gì không?”. Tôi nhìn bố từ đầu đến chân, ngoài chiếc xe đạp lọc cọc, chiếc cặp da đã cũ, quần áo, mũ vẫn đủ cả, tôi lắc đầu chịu thua. Lúc ấy, bố mới ngồi xuống xoa đầu tôi: “Bố đánh mất giấc ngủ của mình đó con. Giấc trưa giúp người ta tỉnh táo lại để giúp những buổi chiều kết thúc trọn vẹn. Sao con lại từ bỏ nó”. Từ hôm ấy, tôi có thêm một sự thấm thía sâu sắc.

Có lẽ từng ngày trôi đi của mỗi gia đình không hề giống nhau. Mẹ tôi làm vườn nên dậy rất sớm. Khi anh em tôi tỉnh giấc thì mẹ đã cắt xong rau, chất lên xe đạp. Mẹ để lại mâm cơm sáng và vết bánh xe hằn sâu trên lớp cỏ còn đẫm sương trước nhà. Xế trưa, mẹ trở về vun vén củi đuốc nấu cơm, trong lúc chờ cơm sôi thì rau lợn, cám gà…

Buổi chiều, mẹ thư thả hơn một chút. Dưới mái hiên rộng, mẹ trải chiếu ngồi đan lát hoặc khâu vá. Bàn tay mẹ chậm rãi, có khi vừa làm, vừa khe khẽ hát. Những món đồ có khi là cái rổ, cái rá, có lúc là chiếc khăn mặt với tên từng người được thêu riêng, mẹ cũng làm thuê cho người nào đó đặt hàng... Chiều chậm và thưa vắng cho đến khi những người đi làm về qua ngõ lóc cóc tiếng bánh xe, tiếng cười nói.

Tôi lớn lên đi học, xa dần xóm nhỏ nơi núi đồi. Tôi đã có những buổi chiều thật khác so với ngày còn ở nhà với mẹ. Cũng như bố, tôi không còn giấc trưa yên ả trong tiếng chào mào, tiếng gà, tiếng gió lao xao cành lá. Chiều với tôi gấp gáp, vội vã bởi áp lực công việc của ngày. Chiều như hiệp 2 của một trận bóng đá, như cái kết một bộ phim gay cấn, như mẻ gốm sắp ra lò…

Rồi một ngày, tôi thoát ra vòng quay mưu sinh, về quê dăm ba ngày phép chơi với mẹ. Năm tháng qua đi, tóc bố đã bạc trắng, mẹ đã lên chức bà. Các cháu đã lớn, đi học ăn ngủ bán trú. Mẹ tôi lại ngồi ngóng các cháu đi học về, xem đứa nào vui, đứa nào cáu kỉnh.

Cuộc đời của một người phụ nữ là thế. Lúc còn trẻ đi chợ về lo ánh mắt con thất vọng vì không có quà bánh, lúc về già lo con cháu trở về nhà không được vui. Chúng tôi có cố gắng dành dụm sửa cái nhà, mua cái ti vi, cái máy tập thể dục… cho bố mẹ, nhưng dù có đầy đủ đến đâu cũng không thể khỏa lấp được khoảng trống của những buổi chiều như thế. Chiều cứ xa vắng dần, mênh mông, mênh mông.

Ngày bé, tôi chỉ ước cả ngày chỉ có sáng mà không có chiều. Còn giờ, tôi lại ước chiều cứ dài mãi thêm để mái tóc pha sương của mẹ không thao thức từng đêm lo nghĩ. Phải chăng trong đời mỗi con người, chúng ta đều có những mong ước phi lý nhưng rất đỗi chân thành, tha thiết vì những gì thân yêu nhất như thế đó.

Chiều nay, từ hiên nhà, tôi nhìn ra chỉ thấy một sự vắng lặng. Xa xa, phía cuối trời, mây vẫn nhẹ bay theo gió. Bên hiên nhà, chiếc ghế mây còn đây, cái rổ, cái rá vẫn treo trên tường, nhưng mẹ tôi đã an nhiên về miền mây trắng. Rồi trăng lên, đêm về. Còn tôi, tôi lại mở trang giấy và ngồi cùng những cảm xúc đang đầy ắp trong lòng. Tôi nhớ mẹ!

Có thể bạn quan tâm