Chính trị

Tin tức

Hiến pháp khẳng định vai trò của HĐND các cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-11-2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (có hiệu lực từ 1-1-2014). Đây là bản Hiến pháp thực sự từ dân, vì dân và của dân, đồng thời đáp ứng với lòng mong mỏi của HĐND các cấp. Từ đây HĐND các cấp không những tiếp tục “danh chính ngôn thuận” mà còn nâng tầm vị thế quyền lực, trách nhiệm được nhân dân trao, được quy định trong Hiến pháp 2013 làm nền tảng quan trọng để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
 

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh: K.N.B
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh: K.N.B

Hiến pháp một lần nữa khẳng định HĐND là chế định thiêng liêng cần được giữ gìn và phát huy, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện rõ:

Một là: Hiến pháp khẳng định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương là thiết chế không thể thiếu trong tổ chức bộ máy của Nhà nước, là nơi có tính chất quyết định đối với việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Là thiết chế quan trọng bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân đồng thời khẳng định nguyên tắc, một cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho nhân dân, bầu ra và giám sát hoạt động của UBND.

Đây là nền tảng pháp lý quan trọng  nâng cao vai trò, vị thế  cho hoạt động của đại biểu dân cử và cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị. Hiến pháp cũng quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phải chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

Hai là: Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định mạnh mẽ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Đồng thời ý Đảng lòng dân, bản chất nhân dân của Đảng đã được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong bản Hiến pháp “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”; càng làm nổi bật vai trò của nhân dân, là chủ thể cao nhất, duy nhất của quyền lực, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ba là: Nội dung đổi mới nhất so với tất cả các bản Hiến pháp trước đó, quy định về chính quyền địa phương tại (Điều 111) “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định”. Quy định mở về chính quyền địa phương, theo đó không nhất thiết phải thành lập đầy đủ chính quyền địa phương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đối với tất cả các đơn vị hành chính trong cả nước. Điều này phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo làm cơ sở để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa.

Tuy nhiên việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hay ba cấp cho phù hợp với chính quyền đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn phải trên nguyên tắc: Ở đâu có cơ quan hành chính, ở đó có sự giám sát của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương. Việc tiếp tục khẳng định nguyên tắc này trong Hiến pháp vừa giữ được các vấn đề mang tính nguyên tắc của chính quyền địa phương vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương năng động, sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Bảo đảm được quyền làm chủ đối với mọi quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình là HĐND các cấp. Chính quyền địa phương tồn tại và hoạt động phải thực sự do nhân dân địa phương quyết định, cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân chứ không phải là những người cai trị nhân dân.

Bốn là: Hiến pháp khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân định rõ nhiệm vụ phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nguyên tắc này phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân trao cho mỗi quyền. Đây còn là cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng-chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Đảm bảo quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, hiệu lực, hiệu quả.

Năm là: Hiến pháp khẳng định vinh dự, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND trước nhân dân và cử tri. Theo đó đại biểu nhân dân phải gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, là công bộc của nhân dân.

Có thể nói, chương về chính quyền địa phương là một trong những thành công nhất của sửa đổi Hiến pháp lần này, bởi lẽ mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đổi mới, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ phân định rõ ràng, sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nhất là tạo ra sự năng động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền địa phương.

Đinh Duy Vượt

Có thể bạn quan tâm