Kinh tế

Hiệu quả mô hình ghép cà phê chồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đak Lak nói riêng các vườn cà phê này đang bước vào thời kỳ già cỗi, tốc độ sinh trưởng phát triển giảm mạnh, năng suất kém nên vấn đề cưa đốn phục hồi vườn cây cần được áp dụng cấp bách trong canh tác hiện nay. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu trên thì biện pháp cưa đốn phục hồi để chồi tái sinh phát triển trên gốc cây cũ còn bắt gặp nhiều hạn chế.
 

Vườn cà phê chồi ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak. Ảnh: Bá Thăng

Để khắc phục những nhược điểm này, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê đã được nghiên cứu, tiến hành áp dụng thử nghiệm trên một số mô hình trình diễn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là mô hình chuyển giao công nghệ ghép chồi cà phê vối nhằm phổ biến bộ giống tốt ra sản xuất, phục vụ phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững-mô hình nằm trong dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam tại Đak Lak.

Hiện đã có 6 mô hình được xây dựng tại các xã Quảng Phú và Quảng Tiến (huyện Cư Mgar), xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ); xã Ea Knuêc và Ea Kênh (huyện Krông Păc) và một mô hình vườn nhân chồi tại xã Bình Tân (thị xã Buôn Hồ), tổ chức 7 lớp với 285 nông dân nắm vững quy trình công nghệ ghép chồi cà phê (đạt 102% so với mục tiêu), đặc biệt trong đó có 15 nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã nắm vững quy trình và thực hành công nghệ ghép tốt.

Mục tiêu chính là chuyển giao công nghệ ghép chồi cà phê vối nhằm thay thế các giống cũ năng suất thấp, bị bệnh gỉ sắt, hại cà phê có kích thước nhỏ bằng cách cải tạo (ghép thay thế) các giống mới có năng suất cao, kích thước lớn (hạt loại R1>65%), kháng cao đối với sâu bệnh gỉ sắt để tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế hơn so với các giống đại trà hiện nay khoảng 15-20% và xây dựng vườn cung cấp các nguồn vật liệu giống tốt ban đầu cho địa phương để nhân rộng mô hình chuyển giao giống mới, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ thuật thực hành của người dân về việc ứng dụng các công nghệ tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Theo quy trình kỹ thuật ghép cải tạo mà Viện khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đưa ra thì độ cao cưa cách mặt đất 30-35 cm; mặt cắt nghiêng 1 góc khoảng 25-30 độ theo hướng Đông Bắc; nuôi 2-3 chồi phân bố đều quanh gốc; thời vụ tháng 5 đến tháng 7 (sau cưa 2 tháng trở lên).

Kết quả vuờn cây sinh trưởng rất tốt, tỷ lệ bật chồi 86%-90%, tỷ lệ cây được ghép 82%-90%, năng suất năm thứ 3 đạt 3 kg nhân/cây tương đương 1,65 tấn/ha so với năng suất lúc chưa cưa ghép. Các dòng vô tính chọn lọc có năng suất 4-7 tấn/ha, trọng lượng nhân từ 18 đến 20 gam, tỷ lệ trên sàng 16 (loại 1) trên 75%, chỉ số gỉ sắt nhỏ hơn 2%. Ông Võ Văn Thắng (xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar) cho biết: Tôi thực sự hài lòng với công nghệ ghép chồi cà phê. Theo kinh nghiệm của tôi, dựa vào tốc độ sinh trưởng của chồi cà phê, dự đoán năng suất cà phê sẽ đạt từ 4,5 tấn/ha (trước đây chỉ 3-3,5 tấn/ha), tăng 28-30%.

Theo ông Nguyễn Quang Thụ-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Đak Lak cho biết: “Nếu bà con nông dân thực hiện theo đúng kỹ thuật và chăm sóc theo mô hình thì ước tính năng suất tăng so với giống cũ từ 2 kg nhân/cây trong 2 năm đầu, tăng 3 kg nhân/cây vào 2 năm tiếp theo, từ 3,5 kg đến 4 kg/cây trong suốt giai đoạn cây đạt năng suất tối đa (10 năm), dự tính lợi nhuận cho mỗi mô hình ghép thay thế giống mới ổn định trong khoảng 15 năm.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm