(GLO)- Vụ mía năm 2013, Nhà máy Đường An Khê đã triển khai cánh đồng mía mẫu lớn tại các vùng mía phía Đông tỉnh. Bước đầu, mô hình này đem lại hiệu quả, tạo sự an tâm cho nông dân, giúp nhà máy giữ ổn định nguồn nguyên liệu.
Cánh đồng mía mẫu lớn đang đem lại những kết quả khả quan. Ảnh: Phương Linh |
Cánh đồng mía mẫu lớn là mô hình được Nhà máy Đường triển khai áp dụng cho mùa vụ năm 2013 thí điểm tại một vài vùng mía thuộc các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê với tổng diện tích 320 ha. Đặc điểm của cánh đồng mía này là diện tích trồng từ 5 đến 80 ha/cánh đồng, phá bờ thửa để thực hiện cơ giới hóa, rút ngắn thời gian và công sức lao động đồng thời giúp tăng năng suất mía so với cách trồng thông thường. Khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, các hộ trồng mía có ruộng mía nhỏ gần nhau sẽ bỏ bờ thửa, Nhà máy Đường tiến hành đo đạc, xác định diện tích của từng gia đình. Với mỗi hecta mía, nông dân được nhà máy đầu tư trực tiếp không tính lãi suất từ 13 đến 15 triệu đồng, số tiền này sẽ được trừ lại khi nhà máy thu hoạch mía. Nhà máy cũng giúp bà con đo độ đất, phân loại để tìm ra giống mía thích hợp, cho năng suất cao, đồng thời giúp đỡ phương tiện cày đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía.
Đặc biệt, các hộ trồng sẽ được hỗ trợ miễn phí 30-50 kg phân bùn/ha để cải tạo đất. Bên cạnh đó, khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ được ưu tiên ký hợp đồng bán mía cho nhà máy, nhà máy sẽ tiến hành thu hoạch mía theo yêu cầu của gia đình. Khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, bà con đưa được máy móc vào tận ruộng, sử dụng khoa học kỹ thuật để trồng trọt giúp năng suất mía tăng đáng kể, đồng thời tiết kiệm được sức lao động, từ đó giảm chi phí lao động.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. Ảnh: K.N.B |
Hơn 20 hộ trồng mía ở thôn 4 (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) triển khai 2 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích là 22 ha. Mặc dù cùng chung trên một diện tích nhưng các gia đình vẫn rất yên tâm khi nhà máy có cắm mốc, lập bản đồ rõ ràng của từng hộ. Người dân trồng mía cho biết, với cách trồng thông thường khi mía lớn đến khoảng tháng thứ 6 thì không thể bón phân và làm cỏ do mía quá dày. Nhưng với kỹ thuật trồng hàng đôi mà nhà máy hướng dẫn, bà con có thể bón phân đầy đủ và làm cỏ bình thường, nắng chiếu được vào tận thân mía nên chữ đường cũng tăng lên. Hơn nữa, cách trồng này không tốn diện tích.
Ông Tống Văn Giang-Trưởng thôn 4 phấn khởi: “So với trồng thông thường thì cách làm này hiệu quả hơn hẳn. Theo ước tính, năng suất trung bình năm nay hơn 100 tấn/ha”. Ông Phạm Quang Tháp (48 tuổi, trú tại thôn 3, làng Klah, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cùng với em trai trồng 50 ha cánh đồng mía mẫu lớn, hiện đang chờ ngày thu hoạch. Theo ông Tháp, so với cách trồng thông thường thì cánh đồng mẫu lớn giúp ông giảm được 2/3 chi phí đầu tư nhân công, tiết kiệm được 4-5 triệu đồng/ha.
Cũng tương tự, vụ mía vừa rồi ông Lê Văn Dũng (SN 1968, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) trồng 70 ha cánh đồng mía mẫu. Ông Dũng cho biết: “Sau khi trừ chi phí đầu tư thì bình quân 1 ha cánh đồng mẫu cho năng suất khoảng 140 tấn, đem lại thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Vì mô hình này đem lại hiệu quả cao nên vụ mùa tới, gia đình tôi sẽ trồng thêm 60 ha cánh đồng mía mẫu nữa. Hiện tại tôi đã trồng thêm được 40 ha rồi”.
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Mô hình trồng cánh đồng mía mẫu lớn được nhà máy triển khai thực hiện trong vụ mùa năm 2013, đến nay theo khảo sát thì hầu hết đều cho năng suất từ 140 đến 170 tấn/ha, chất lượng mía tốt. Chúng tôi triển khai mô hình này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để nông dân gắn bó lâu dài với cây mía, làm giàu từ cây mía đồng thời tạo nên vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Vụ mùa tiếp theo, nhà máy sẽ triển khai hơn 1.000 ha cánh đồng mía mẫu lớn để nhiều nông dân được hỗ trợ hơn nữa”.
Phương Linh