Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình “3 giảm 3 tăng” ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với các hợp phần trong Dự án Cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hợp phần tăng cường công nghệ sinh học, trong đó có xây dựng chuyển giao mô hình IPM, ICM (mô hình 3 giảm 3 tăng) trên cây lúa tại các huyện trọng điểm lúa nước của tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đặc biệt, sự thay đổi nhận thức của nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một tín hiệu đáng mừng.

Những năm qua, song song với công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện  khá đồng bộ. Đặc biệt, mô hình “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, chất lượng và sản lượng) được ứng dụng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân do người dân chưa thực sự mặn mà, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ảnh: Hồng Anh

Trong vụ mùa vừa qua, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã hợp đồng với Khoa Nông học-Trường Đại học Nông Lâm Huế tổ chức hướng dẫn cho nông dân tại 12 xã, thị trấn ở hai huyện Ia Pa và Phú Thiện thực hiện mô hình “3 giảm 3 tăng” trên diện tích 15 ha lúa nước. Triển khai thực hiện, mô hình yêu cầu đồng bộ từ khâu chọn đất, giống… không theo quy chuẩn mà ngẫu nhiên các hộ gia đình, 1 ha đất chỉ gieo sạ khoảng 80-100 kg lúa giống, hướng dẫn cách bón phân, tập huấn kỹ thuật…

Ông Siu Phát- ở xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa cho biết: “Từ khi được cán bộ Trường Đại học Nông Lâm Huế và Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất từ khâu làm đất, chuẩn bị giống theo trình tự ngâm ủ, gieo thẳng hàng… bà con đã nắm được cách làm. Mô hình đã tiết kiệm được một lượng giống, phân bón rất lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn”.


Qua thu hoạch thực tế, những ruộng lúa sử dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” năng suất trung bình 7,5 tấn lúa khô/ha, cá biệt tại xã Ia Trôk là 8,1 tấn/ha. Đến nay đã có 287 hộ gia đình, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương đã tình nguyện tham gia nhân rộng mô hình  IPM, ICM sang các khu vực sản xuất khác.

Ông Nguyễn Xuân Vỵ- Phó Giám đốc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh cho biết: Cùng với hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất, hợp phần tăng cường công nghệ sinh học đã khởi động và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, mô hình IPM, ICM trên cây lúa thử nghiệm tại hai huyện Phú Thiện, Ia Pa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của bà con từ chỗ gieo sạ dày, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo truyền thống nay đã giảm gần 50% (giống chỉ còn 80-100 kg/ha, thuốc bảo vệ thực vật 4-6 lần, phân bón theo hướng thúc từng giai đoạn cho cây lúa), hiệu quả mang lại rất lớn. Từ tiền đề này vụ Đông Xuân 2011-2012, nhiều nông hộ và người dân các xã học tập nhân rộng mô hình sang ruộng lúa của mình.

Hồng Anh
 

Có thể bạn quan tâm