Kinh tế

Hiệu quả từ việc trồng tiêu bằng trụ cây sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vườn tiêu hơn 500 trụ là nguồn thu nhập chính đối với gia đình anh Lê Trung Nhớ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê). Anh Nhớ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó khoảng 500 trụ được trồng bằng cây trụ chết (gỗ) mới thu hoạch được 2 năm thì xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào 500 trụ tiêu trồng bằng cây keo này mà thôi.

Anh Đinh Voh bên vườn tiêu của mình. Ảnh: Quang Tấn

Theo anh Nhớ, trồng tiêu bằng trụ sống hạn chế được nhiều loại bệnh, cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch mỗi trụ 3-4 kg. Anh Nhớ chia sẻ kinh nghiệm: Trồng tiêu trên cây keo phải thường xuyên phun thuốc để diệt rầy, vì cây keo có nhiều loại rầy gây hại, đặc biệt là vào mùa mưa.

Tương tự, vườn tiêu gần 500 trụ trồng bằng cây keo đã cho thu hoạch hơn 5 năm của gia đình anh Đinh Voh (thôn Tơ Drăh 1, xã Bar Măih, huyện Chư Sê) vẫn cho thu hoạch đều đặn mỗi năm trên 1 tấn. Anh Voh chia sẻ: “Mặc dù trồng tiêu bằng trụ sống trái không nhiều, nhưng bù lại năm nào cũng cho trái đều không phải năm được năm mất như tiêu trồng trụ gỗ hay trụ bê tông. Đặc biệt, cây tiêu luôn xanh tốt, chưa thấy xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm như những vườn tiêu trồng trên cây trụ gỗ, bê tông…

Có thể nói sử dụng trụ sống để trồng tiêu là kiểu canh tác bền vững, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế các loại bệnh nguy hiểm, giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu, nhất là góp phần hạn chế tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm