Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 1.020 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 9.980 tỷ đồng, đạt 97,14% kế hoạch đề ra. Cùng thời gian, có 114 doanh nghiệp giải thể và rút lui khỏi thị trường; 203 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 10.384 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 156.705 tỷ đồng.
Về nguyên nhân số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt kế hoạch, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Năm 2024, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi sức mua thấp, áp lực cạnh tranh tăng, việc tiếp cận vốn còn chưa thuận lợi…
Việc vận động các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là vì các hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Còn ông Lê Quốc Thái-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang thì cho hay: “Chi cục thường xuyên vận động các hộ kinh doanh đủ điều kiện phát triển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, tâm lý các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi vì nếu chuyển thành doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về hệ thống sổ sách, kế toán, báo cáo thuế, phải có thêm nhân viên kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán bên ngoài... Vì vậy mà năm 2024, huyện Mang Yang và Đak Đoa chỉ có 44 doanh nghiệp thành lập mới”.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh-Chủ cơ sở kinh doanh tạp hóa tại thị trấn Đak Đoa-chia sẻ: “Khi phát triển thành doanh nghiệp thì ngoài việc thuê kế toán còn phải đảm bảo các yếu tố khác như bảo hiểm y tế cho người lao động, phòng cháy chữa cháy... đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí. Trong khi đó, quy mô kinh doanh của tôi còn nhỏ, mang tính chất hộ gia đình nên chưa cần thiết phải phát triển thành doanh nghiệp”.
Ngoài ra, theo nhiều hộ kinh doanh, họ chỉ cần đóng thuế khoán hàng tháng, còn thành lập doanh nghiệp thì phải thay đổi chế độ kế toán hoàn chỉnh, chuyển từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm về giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử. Và rõ ràng, chi phí phải chi trả cho hoạt động của doanh nghiệp sẽ cao hơn so với hoạt động của hộ kinh doanh.
Theo ông Phước, mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế mà hộ kinh doanh không thể nào đáp ứng được. “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như: miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện...
Doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn huy động, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực, cơ hội tư vấn phát triển kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng thương hiệu, gia tăng uy tín, lợi thế để có thể tiếp cận khách hàng lớn, tham gia vào thị trường lớn.
Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với cơ quan thuế vận động hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp”-ông Phước thông tin.
Gia Lai hiện có hơn 35.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó, nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Là cơ quan phối hợp, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh; thực hiện hỗ trợ chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh như: miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về chính sách thuế, thủ tục hành chính về thuế và chế độ kế toán trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức tập huấn và đối thoại với người nộp thuế về các chính sách thuế mới, hướng dẫn quyết toán thuế và các ứng dụng của ngành thuế 4 lần/năm”.