Được bạn bè kết nối, từ khu nhà trọ ở TP Thủ Đức (TP HCM), công nhân Đào Thanh Hà thay mặt cho 80 người cả già và trẻ ở đây gọi điện thoại cho phóng viên Báo Người Lao Động.
Hà nói: "Vợ chồng cháu bị cách ly từ ngày 5-7, xong lại giãn cách, cuộc sống hiện rất khó khăn. 33 hộ công nhân và lao động tự do không có thu nhập, mong Báo Người Lao Động cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu vượt qua khó khăn". Tôi bảo Hà quay clip bằng điện thoại cho tôi xem cảnh sinh hoạt ở trong đó, nhìn ứa nước mắt.
Rồi Nguyễn Thị Thanh Lâm ở khu nhà trọ tại TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), giáp ranh TP HCM, cũng cho biết từ ngày công việc giãn cách rồi phong tỏa, chừng 90 công nhân và lao động tự do ở 35 phòng của khu trọ này từ chỗ dè sẻn từng bữa ăn đến chia sẻ nhau từng con cá, bó rau, bây giờ thì thực sự đã khó khăn.
Hỏi khó đến mức nào? Lâm trả lời đến mức có người không còn dám chụp hình hay quay clip thường xuyên gửi về quê cho người nhà như dạo đầu dịch, vì sợ cha mẹ lo lắng.
Những phản ánh của Hà và Lâm đã được phóng viên chuyển đến chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" đang được Báo Người Lao Động triển khai, với sự đồng hành của bạn đọc, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nhằm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch; người nghèo, công nhân - lao động mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn.
Thực ra, không chỉ riêng chương trình của Báo Người Lao Động mà còn của chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, nhóm thiện nguyện... tìm mọi cách hỗ trợ cho công nhân các khu nhà trọ, lao động tự do, hộ nghèo - những người đang gặp khó khăn nhất về đời sống trong "cuộc chiến chống Covid-19".
Từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy, LĐLĐ TP HCM cho biết sẽ hỗ trợ 150.000 suất nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 150.000 đồng, cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kể cả người đang ở trong khu vực cách ly, phong tỏa. Tương tự, LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ 100.000 suất, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 100.000 suất...
Dịch bệnh đã gây ra thiệt hại quá lớn cho đời sống của lao động nghèo. Nguồn lực hỗ trợ thì không biết bao nhiêu là đủ, trong khi có cơ sở để tin là không thể xảy ra chuyện có người đói ăn. Nhưng muốn thế thì nguồn lực hỗ trợ phải được tập trung nhiều hơn cả vào đúng đối tượng khó khăn nhất, chứ dàn trải hoặc trao không đúng đối tượng thì rốt cuộc sẽ như muối bỏ biển và không chừng nhiều người ngặt nghèo rốt cuộc vẫn ngặt nghèo.
Nhưng để tập trung được nguồn lực thì phải lọc ra đúng đối tượng đang gặp khó khăn. Muốn biết một khu phố có bao nhiêu hộ nghèo hay lao động tự do gặp khó khăn thì không ai bằng chính các tổ trưởng dân phố. Công nhân - lao động đang cần gạo và thực phẩm để sống, hay tiền mặt để trang trải cho việc điều trị hay cách ly... thì chắc chắn chỉ có cán bộ Công đoàn của công ty mới nắm rõ. Nhưng nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn thì câu chuyện lại còn khác nữa.
Ngoài việc hướng vào cho đúng đối tượng, mọi sự hỗ trợ lúc này còn rất cần được triển khai nhanh, gọn.
Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)