Với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của những hộ nông dân sản xuất nhỏ và doanh nghiệp nhờ vào sự hỗ trợ, thiết lập đưa vào hoạt động các liên minh sản xuất theo hướng tư nhân mà dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) đang thực hiện. Hợp phần B hỗ trợ liên minh sản xuất đã mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, giúp nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ngoài ra các tiểu hợp phần khác như: Hỗ trợ thành lập các liên minh sản xuất giữa tổ chức nông dân và các doanh nghiệp tư nhân nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, tự nguyện trong sản xuất hàng hóa. Góp phần nâng cao tính cạnh tranh về giá cả, chi phí, năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình và chuỗi giá trị thành công.
Ban Quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Gia Lai (ACP) cho biết: Đến thời điểm này đã có 2 liên minh sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đi vào hoạt động gồm liên minh vỗ béo bò thịt An Trung ở huyện Kông Chro và liên minh sản xuất tiêu thụ cà phê bền vững ở huyện Chư Prông. Hiện đơn vị đang chuẩn bị thực hiện liên minh sản xuất tiêu thụ tiêu sọ Al Bá (huyện Chư Sê), đồng thời hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh một số liên minh sản xuất mới như liên minh sản xuất nấm Thắng Lợi, bò lai Nghĩa An, ong mật Ia Grai…
Ông Trần Văn Báu- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Văn Báu (huyện Kông Chro) cho biết: “Việc ra đời các liên minh hỗ trợ sản xuất mà dự án cạnh tranh nông nghiệp đang thực hiện đã giúp ích rất nhiều cho người nông dân cũng như doanh nghiệp, đó là xây dựng được quy trình kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo bò làm cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, mức độ rủi ro của nông dân cũng thấp vì họ còn được hưởng lợi khi doanh nghiệp áp dụng giá mua sản phẩm cho các hộ trong dự án luôn sát với giá thị trường ở từng thời điểm, không bị ép giá…”.
Lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia dự án là được hỗ trợ tối đa 20.000 USD để thu mua nông sản khối lượng lớn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn định sẵn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ các dịch vụ tư vấn trong hình thành liên minh sản xuất và quá trình kinh doanh. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá những hình ảnh thương hiệu… để mở rộng thị trường.
Đối với người nông dân, khi tham gia dự án được hưởng lợi rất nhiều như: Hỗ trợ kinh phí, các sản phẩm đầu ra được các doanh nghiệp cam kết thu mua giá cao hơn, có việc làm ổn định, những tài sản cố định do dự án đầu tư cho liên minh thuộc sở hữu của các tổ chức nông dân khi tham gia dự án. Đặc biệt, được chuyển giao công nghệ sản xuất mới, tập huấn kỹ thuật và xây dựng kế hoạch cùng điều hành sản xuất với liên minh.
Có thể nói, hỗ trợ liên minh sản xuất (hợp phần B) của dự án cạnh tranh nông nghiệp đang thực hiện là hướng đi mới góp phần vào sự liên kết lâu dài về thương mại trên cơ sở tự nguyện giữa tổ chức nông dân với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gắn sản xuất với thị trường và đặc biệt tạo động lực mới đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nguyễn Diệp