Chính sách hỗ trợ mua tạm trữ cà phê của Chính phủ chỉ có hiệu lực trong thời gian 3 tháng với mục tiêu tạo sức ép giảm bán ra của các doanh nghiệp và nông dân cũng hưởng lợi gián tiếp từ chủ trương này. Tuy nhiên, chính sách ra chậm so với thời điểm thu hoạch cà phê nên nông dân chưa thực sự hưởng lợi!
Một quyết sách mở…
Ngày 13-4-2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 481/QĐ-TTg về việc đồng ý mua tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất niên vụ 2009-2010 trong thời gian mua tạm trữ 3 tháng (15-4 đến 15-7-2010). Đồng thời, Nhà nước xuất ngân sách thực hiện hỗ trợ lãi suất với mức 6%/năm đối với số cà phê mua tạm trữ và được hỗ trợ lãi suất tối đa là 6 tháng kể từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-10-2010.
Thu mua cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Quyết định số 481/QĐ-TTg có một cơ chế rất mở: “Các doanh nghiệp thực hiện việc mua cà phê tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”. Có nghĩa rằng, doanh nghiệp khi mua tạm trữ cà phê nhưng lại được quyền bán bất cứ lúc nào và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh mà không nhất thiết tạm trữ trong bao lâu. Thông qua chính sách này, Nhà nước gián tiếp hỗ trợ vốn trong khoảng thời gian mua tạm trữ cà phê của doanh nghiệp trước tình hình biến động lớn về giá. Đồng thời qua đó nhằm tăng khả năng dự trữ cà phê khi giá thế giới xuống thấp; kiểm soát giá xuất khẩu cà phê, nhất là đối với giá các hợp đồng, giao hàng tương lai và kỳ hạn. Chủ trương này cũng gián tiếp ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua, hạ giá khi xuất khẩu làm thiệt hại thu nhập của người trồng cà phê và hỗ trợ được cho người trồng cà phê khi có rủi ro về thị trường, giá cả.
Nhưng muộn!
Tuy nhiên, do chủ trương này được đưa ra muộn so với thời điểm thu hoạch cà phê nên đến nay lượng cà phê trong dân rất ít. Sau khi phân bổ chỉ tiêu, Công ty TNHH Trung Hiếu được Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Phát triển xác nhận bảo lãnh tổng cộng 50 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ mua được 800 tấn với tổng số tiền vay là 19,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín xác nhận bảo lãnh 25 tỷ đồng nhưng chỉ mua được 280 tấn với tổng số tiền vay là 6,7 tỷ đồng; Công ty Cà phê 331 được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam bảo lãnh nhưng cũng chỉ mua được 307 tấn với tổng số tiền vay là 7,7 tỷ đồng.
Riêng Xí nghiệp tư doanh Hoa Trang đến phút cuối trả lại chỉ tiêu mua tạm trữ cà phê với lý do: “Lượng cà phê trong dân còn rất ít và hầu hết gửi ứng tiền tại các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay còn rất nhiều khó khăn và ràng buộc như: Phải có tài sản đảm bảo, kho hàng thế chấp phải có bên thứ ba chịu trách nhiệm liên đới, trong khi thị trường cà phê thế giới biến động thất thường và chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nguồn quỹ đầu cơ, chi phối và thao túng thị trường…”.
Ông Phan Tiến Thu- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai phân tích: Sau khi có chủ trương này, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam là đơn vị được chỉ định chuẩn bị đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp được phân bổ vay vốn mua tạm trữ cà phê. Việc hỗ trợ lãi suất với mức 6%/năm là do doanh nghiệp phải có nghĩa vụ làm đúng thủ tục theo quy định, tránh lợi dụng mua tạm trữ để đảo kho cà phê hoặc đưa lượng cà phê mua ngoài thời gian mua tạm trữ để hưởng lợi. Các chứng từ hợp lệ chứng minh lượng cà phê được mua tạm trữ trong thời gian mua tạm trữ sẽ được Bộ Tài chính thẩm định và chi trả trực tiếp lại cho doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ thực hiện nghiệp vụ cho vay bình thường như mọi hình thức vay khác.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải có một trong 3 điều kiện như: Năng lực thế chấp tài sản; được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh hoặc có bảo lãnh của ngân hàng khác nơi có tài sản đang thế chấp. Nhưng điều lưu ý là khi doanh nghiệp thế chấp kho hàng phải do bên thứ 3 quản lý để tránh trường hợp kho hàng “rỗng”. Đồng thời, “chủ trương của ngân hàng là rất tạo điều kiện cho việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ một cách nghiêm túc để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các doanh nghiệp nhưng phải đúng quy trình. Doanh nghiệp nào có xác nhận chứng thư bảo đảm bao nhiêu thì ngân hàng cho vay bấy nhiêu chứ không nhất thiết đợi đủ theo chỉ tiêu”- ông Thu nhấn mạnh.
Hiện nay, cà phê trong dân hầu như đã bán gần hết để phục vụ cho việc tái đầu tư. Chính vì lẽ đó mà chỉ tiêu mua để tạm trữ đến nay chỉ đạt 13,94% so với chỉ tiêu phân bổ (1.394 tấn/10.000 tấn). Và rõ ràng, nếu được lợi thì chỉ có doanh nghiệp, nhưng… chẳng bao nhiêu!
Lê Văn Nhung