Kinh tế

Hộ vay cá thể mỏi mòn chờ giảm lãi suất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với nhiều lý do, cách giải thích khác nhau nhưng chung quy các ngân hàng thương mại đều cho rằng huy động vốn ở thời điểm lãi suất cao, buộc phải cho vay cao, nên việc giảm mạnh lãi suất cho khách hàng cá thể như những đối tượng khách hàng khác là rất khó.

Đến thời điểm này, hầu hết khách hàng vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu lãi suất cao. Phổ biến các khoản vay trung và dài hạn lãi suất từ 19% đến 23%/năm, các khoản ngắn hạn từ 18% đến 19%/năm; so với 3 tháng trước đây, đã giảm trung bình 1-2% tùy đối tượng. Cũng như doanh nghiệp, khách hàng cá thể đang mong mỏi lãi suất cho vay hạ để giảm bớt gánh nặng chi phí.

 

 

Chị V.T.H. (TP. Pleiku)-khách hàng vay tại một Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn, cho biết: Chị chỉ mới được điều chỉnh lãi suất giảm 1 lần, từ 20,4%/năm xuống còn 19,2%/năm. Với món vay phục vụ nhu cầu kinh doanh mà lãi suất như vậy đã đẩy chi phí lên quá cao. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh đang khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt nên lợi nhuận thấp. “Nghe lãi suất huy động đã giảm 3 lần, tương ứng 3% nhưng lãi vay vẫn chưa giảm tương ứng! Đầu vào giảm 3, đầu ra giảm 1, khách hàng vẫn thiệt thòi”-chị nói.  

Hay như khoản vay tiêu dùng (vay mua nhà) tại ngân hàng này vẫn ở mức 20,4%/năm, trước đó 21,6%/năm. Đó là mức cao, nhưng một số ngân hàng khác còn cao hơn, có món vay vẫn giữ vị trí 23%/năm.

Nhiều khách hàng cho biết, trước đây lãi suất huy động tăng, ngân hàng lập tức điều chỉnh lãi vay tăng cho khách hàng, nay lãi suất huy động giảm thì ngân hàng lại… chần chừ.  

Trên thực tế, lãi suất đã liên tiếp hạ trong thời gian gần đây, nhiều khoản vay áp trần 14%/năm, nhiều khoản vay thỏa thuận thuộc đối tượng ưu tiên cũng đã hạ, song lãi suất cho vay khách hàng cá nhân vẫn đang ở… trên trời. Theo lý giải của hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn, sở dĩ lãi suất các khoản vay này còn cao là do ngân hàng huy động vốn thời điểm lãi suất cao (từ 14% đến 17%/năm) nên buộc cho vay cao. Còn với các khoản vay mới, lãi suất sẽ từ 14% đến 19%/năm.

Đó là mặt bằng chung lãi suất cho vay mà các ngân hàng đang áp dụng. Riêng lãi suất bình quân dành cho khách hàng cá nhân vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng là từ 17% đến 20,4%. Một số ngân hàng cho biết đã điều chỉnh lãi suất cho vay giảm trước đó nên phải có thời gian nhất định để giảm tương ứng với lãi suất huy động mới. Như vậy, nếu muốn được hưởng lãi suất thấp, khách hàng phải đợi. Nhiều khách hàng còn tính đến chuyện đáo hạn để vay mới nhằm được giảm nhẹ lãi vay.

Rõ ràng, ai được giảm cứ giảm, ai chịu lãi cao vẫn phải chịu. Thiệt thòi hơn cả là những khách hàng không thuộc đối tượng ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Nói chung, vấn đề xác định lãi suất cho vay là quyền của từng ngân hàng, do thỏa thuận với khách hàng, chưa có quy định về trần lãi suất cho vay, ngoại trừ 4 lĩnh vực ưu tiên là xuất khẩu, nông nghiệp-nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, được áp dụng tối đa là 14%/năm.

Để kích thích tăng trưởng dư nợ, nhiều ngân hàng đã và đang đưa ra một số giải pháp để mở rộng cho vay tiêu dùng thông qua các gói cho vay ưu đãi. Ngân hàng An Bình triển khai chương trình “Mua nhà an cư” dành cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất, xây và sửa chữa, nâng cấp nhà. Lãi suất ngân hàng này áp dụng là 18,5%/năm. Hay như Vietcombank đang áp dụng chương trình cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 13%/năm dành cho các khoản vay theo sản phẩm kinh doanh tài lộc và chỉ từ 14%/năm áp dụng tối đa 12 tháng dành cho các khoản vay mua nhà, xây sửa nhà…

Thảo Nguyên
 

Có thể bạn quan tâm