Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.

Nở nụ cười thỏa nguyện, họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh-cho hay: Phòng tranh trưng bày gần 100 tác phẩm của ông, chủ yếu là tranh sơn dầu. Gallery giúp ông hiện thực hóa ước mơ cách đây 10 năm, đó là không gian riêng biệt để sáng tạo và công bố tác phẩm.

Cùng với gallery của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, “Lê Hùng Art Gallery” đã mở ra thêm một địa chỉ tại phố núi dành cho những ai có thú thưởng tranh. Diện tích sàn của gallery chỉ gần 40 m2 nên tranh treo kín các bức tường, kể cả khoảng tường men theo lối lên xuống cầu thang.

Song không vì thế mà rối mắt bởi tất cả được sắp xếp, tính toán về bố cục, thẩm mỹ. Sắc màu, chủ đề đan xen làm bật lên phong cách sáng tác khó lẫn của một tên tuổi trong làng mỹ thuật Gia Lai.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

“Một đời để yêu, một đời để vẽ, một đời để cuồng si hạnh phúc” là cách họa sĩ Lê Hùng tổng kết về cuộc song hành đầy đam mê của bản thân với cuộc đời này. Ngắm số tranh được chăm chút từng “chỗ đứng” tại gallery, càng hiểu thêm về niềm say mê, tâm tình của người nghệ sĩ.

Dĩ nhiên, Tây Nguyên là đề tài ông chung thủy từ trước đến nay như: Lên nương, Miền khát, Hồn cao nguyên, Sức sống cao nguyên, Rừng khóc, Miền cổ tích, Mẹ con… Đây là những bức thể hiện bằng bút pháp mềm mại, lúc hiện thực, khi ước lệ, thấm đẫm bản sắc với rượu cần, thổ cẩm, chim ch’rao...

Gượng dậy sau cơn tai biến cách đây 2 năm, họa sĩ Lê Hùng có bước chuyển lớn trong hội họa. Ông gửi tình yêu cuộc sống cùng những suy tưởng khác vào tranh. “Cuộc sống quá đẹp. Nếu không, có lẽ tôi đã buông tay”-ông có lần trầm ngâm chia sẻ như vậy.

Ngắm những bức: Thiếu nữ và sen, Giai điệu tình yêu, Giấc mơ hoa, Đồng quê thanh bình, Khoảng trời xuân, Tháng tư về, Hương rừng… thấy tình yêu cuộc sống vời vợi qua nét xuân thì, khung cảnh thiên nhiên và phác họa đôi lứa. Với những tác phẩm này, ông lựa chọn màu sắc trầm dịu và tĩnh tại.

Một không gian đẹp tại Lê Hùng Art Gallery. Ảnh: P.D

Đáng chú ý là mảng đề tài mang phong cách siêu thực, phiêu linh, trăn trở vô thường, được mất đời người sau khi bước qua hẫng hụt biến cố. Đó là các tác phẩm: Khoảng lặng bình yên, Hoài vọng, Mộng vô thường, Hư vô, Bóng ngã cuộc đời…

Đúng như nhận xét của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân-Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Lê Hùng đã nhận thức và lý giải hình tượng tạo hình trên tinh thần đổi mới quan điểm nghệ thuật và thay đổi tư duy sáng tạo. Các tác phẩm của anh đã khai thác sự huyền hoặc ước mơ hướng đến thế giới mộng ảo từ góc nhìn đa chiều, với những cảm nghiệm hiện thực cùng biểu hiện trừu tượng”.

Nhiều bức “vây bọc” giữa những nét vẽ như sợi chỉ rối nhiều sắc màu, tựa nỗi hoang mang thử thách mỗi con người nếu không thấu suốt lẽ vô thường.

Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: Tôi rất vui mừng khi biết họa sĩ Lê Hùng vừa có một “cơ ngơi” riêng, đó là “Lê Hùng Art Gallery” để giới thiệu đến công chúng những đứa con tinh thần của mình. Đây là 1 trong 2 gallery tại Gia Lai hiện nay, qua đó công chúng hiểu thêm về phong cách nghệ thuật của một họa sĩ có nhiều đóng góp cho hội họa tỉnh nhà. Trong chừng mực nào đó, gallery còn giúp du khách tìm hiểu về vùng đất, văn hóa, con người Tây Nguyên thông qua hội họa.

Họa sĩ Lê Hùng trò chuyện: Đời người cầm cọ có mấy niềm hạnh phúc, đó là được vẽ, tổ chức được triển lãm cá nhân và cuối cùng là có một phòng tranh cá nhân.

Trước kia, ông chưa có một gallery đúng nghĩa mà chỉ đơn thuần dành một khoảng riêng trong không gian sống của gia đình để trưng bày.

Cá nhân ông càng hạnh phúc hơn khi ở tuổi 66 lại ra mắt tập sách ảnh “Hội họa Lê Hùng-Tâm tưởng và sự lắng đọng cảm xúc”. Tập sách dày dặn với 132 trang, bìa cứng, được in với một phần chi phí tài trợ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tập sách lưu dấu toàn bộ các tác phẩm tâm đắc của ông bằng hình ảnh.

“Điều tôi hài lòng nhất trong sự nghiệp của mình hơn 40 năm qua là đã theo đuổi đến cùng đam mê. Khi tôi theo học mỹ thuật tại Huế, cả nhà tôi không hài lòng vì lúc đó đất nước vừa trải qua một cuộc chiến, gạo không có ăn, ai cũng cho rằng hội họa là ngành học “không thực tế”. Nhưng khi nhìn lại thì với tôi, tất cả mọi thứ có được cho đến hôm nay đều từ nghề này mà ra”-họa sĩ Lê Hùng đúc kết.

Họa sĩ Lê Vinh-con trai họa sĩ Lê Hùng-chia sẻ: “Số lượng tranh của ba tôi ngày càng nhiều nhưng thiếu chỗ trưng bày. Để ba thỏa sức sáng tạo, mấy chị em chúng tôi góp sức làm cho ba phòng tranh riêng để sáng tác, mời bạn bè lên tham quan, như một thú vui riêng.

“Lê Hùng Art Gallery” lưu trữ toàn bộ tác phẩm của ba tôi và đây là ngôi nhà chung để sau này các con cháu hiểu được những cống hiến của ba trong ngành mỹ thuật”.

Có thể bạn quan tâm