Kinh tế

Hoa Tết: Người mừng, người lo…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết đã rất gần với mọi nhà. Với các nhà vườn trồng hoa Tết năm nay, nếu như bông cúc các loại phát triển khá tốt, cho bông đều và đẹp thì người trồng lay ơn lại lo lắng, thấp thỏm mỗi khi nhà đài dự báo thời tiết sẽ tiếp tục lạnh…

Cúc chậu được mùa, được giá
 

 Nhà vườn trồng cúc Tết năm nay đón một khởi đầu năm mới thuận lợi. Ảnh: Lê Hòa
Nhà vườn trồng cúc Tết năm nay đón một khởi đầu năm mới thuận lợi. Ảnh: Lê Hòa

Với người trồng cúc, thời tiết năm nay tuy lạnh kéo dài nhưng nhờ áp dụng các biện pháp như thắp bóng đèn lấy ánh sáng và sưởi ấm, phun thuốc dưỡng… nên cúc được đánh giá khá đẹp.

Với cúc chậu, đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn gần như đã bán xong cho thương lái. Giá cúc chậu do nhà vườn đổ mối cho thương lái tương đương so với mọi năm, rơi vào tầm 200-400 ngàn đồng/chậu, thậm chí cao hơn một chút tùy loại và độ to nhỏ. “Nhà tôi trồng gần 1.000 chậu cúc mà ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch khách mối đã đem tiền tới đặt hàng, tới đầu tháng Chạp gần như bán hết, chỉ còn ít chậu nhỏ. Trừ các khoản chi phí, vợ chồng tôi thu lãi chừng 100 triệu đồng. Mừng là năm nay hoa đẹp, thời tiết không khắc nghiệt lắm lại mua mau bán đắt nên rất vui”-ông Hòa (tổ 3-phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), phấn khởi cho biết.

 

Chị Huệ đã thu tỉa cúc rễ đem đi bán từ rằm tháng chạp. Ảnh: Lê Hòa
Chị Huệ đã thu tỉa cúc rễ đem đi bán từ rằm tháng Chạp. Ảnh: Lê Hòa

Giá cúc chậu được bán trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 400-600 ngàn đồng chậu cúc nhỏ trưng ở hộ gia đình. Với các chậu lớn dùng để trưng trong các cơ quan, công sở… giá có thể dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng/chậu. Ngoài cúc chậu do các nhà vườn nội tỉnh ươm trồng, thị trường cúc trưng Tết Gia Lai còn có sự góp mặt của cúc chậu đưa lên từ các vựa hoa tại các tỉnh lân cận: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên…

Với cúc cành và cúc rễ, hiện tại đang trong thời kỳ nhổ bông. “Cúc vườn nhà tôi do trồng khá sớm nên từ trước Rằm tháng Chạp tôi đã cắt đem đi bán lai rai, kiếm tiền lo Tết dần rồi”-bà Trần Thị Huệ (thôn 12, xã An Phú, TP. Pleiku), nói.

Lay ơn thấp thỏm trông trời…

Đã thành mùa vụ của nghề trồng hoa, cứ độ mùng 10 tháng 9 Âm lịch, những người trồng lay ơn Tết lại xuống giống. “Nhà tui trồng hơn 1 tạ giống lay ơn đỏ. Hiện thời thấy xanh tốt và bắt đầu nhú bông rồi đó, nhưng không biết từ nay tới Tết trời có thương bà con không, chứ nghe đài báo lạnh thấy lo quá”-chị Lương Thị Hồng Yến (thôn 12-xã An Phú-TP. Pleiku), nói.

 

Trồng hoa công nghệ cao lãi cao song cũng chẳng dễ nhằn. Ảnh: Lê Hòa
Trồng hoa công nghệ cao lãi cao song cũng chẳng dễ nhằn. Ảnh: Lê Hòa

Theo chị Yến, tính sơ sơ từ đầu vụ tới giờ, anh chị đã bỏ vốn vào vườn lay ơn trên dưới 25 triệu đồng. “Với người trồng hoa, giá cả và hoa nở trúng thời điểm Tết là hai yếu tố quyết định nhất tới thành bại của mùa hoa Tết. Giá tốt, hoa nở sát Tết thì lời lãi đem về gấp cả chục lần so với làm rau, làm lúa. Mà lỡ thời tiết nhiễu nhương, hoa nở sớm hoặc muộn quá cũng đều trật lất, lỗ như chơi”-chị Yến, tiếp lời.

Còn với chị Nguyễn Thị Sự, cùng ở thôn 12, xã An Phú (TP. Pleiku), làm hoa cũng giống như đi… đánh bạc. “Năm ngoái trời lạnh quá, tới Tết mà bông lay ơn vẫn non, không có lay ơn để bán. Đúng mùng 1, mùng 2 Tết, trời đổ nắng, lay ơn nở nhưng lúc đó mấy ai mua. Thành thử nhà vườn bán đổ bán tháo mong cứu lại chừng nào hay chừng ấy vốn liếng, công sức”-chị Sự, kể.

Theo lời nông dân An Phú, thời tiết năm nay khá nhiễu động, nhiều khi trở lạnh kéo dài khiến hoa chậm trổ bông hơn. “Trời ấm lên thì chắc không lo lắm, nhưng trời lạnh nữa thì không biết chừng hoa sẽ không kịp nở đúng Tết, vầy thì khó bán được giá cao. Cả năm chỉ trông vào vựa lay ơn này để lo sắm sửa Tết nhất thôi”-chị Sự, nói.

Hoa công nghệ cao: Lãi cao nhưng… khó nhằn

 

Nhà vườn phun thuốc cho lay ơn Tết. Ảnh: Lê Hòa
Nhà vườn phun thuốc cho lay ơn Tết. Ảnh: Lê Hòa

“Trồng hoa công nghệ cao phải dày vốn, chịu khó. Tất nhiên, nguồn thu đem lại ổn định hơn, đi kèm ắt phải có kỹ thuật trồng và chăm sóc bài bản”-chị Phạm Thị Thùy Trang-chủ một vườn hoa nhà lồng tại thôn 9, xã An Phú, TP. Pleiku, chia sẻ như vậy.

Muốn trồng hoa công nghệ cao phải có hệ thống nhà lồng đi kèm tưới phun sương. Hiện tại, 1 sào diện tích nhà lồng chỉ dành để trồng hoa đồng tiền, dù trước đây mỗi mùa Tết có trồng cả ly ly, cẩm chướng, cúc Đà Lạt... “Hoa này có cái lợi là 3 năm mới phải thay giống một lần và chỉ cần trồng chừng 4 tháng đã bắt đầu cho bông. Đổi lại, chăm hoa đồng tiền đòi hỏi phải kỹ, tưới nước đủ ẩm, trị bệnh... Đặc biệt, cây rất hay bị bệnh phấn trắng và rầy”-chị Trang, nói.

 

Chị Trang đang đảm bảo cung cấp hoa cho 4 cửa hàng hoa lớn tại TP. Pleiku và một vài mối bỏ sỉ nhỏ khác, mỗi ngày nguồn thu từ hoa đồng tiền đem về khoảng 200-300 ngàn đồng, số tiền này chắc chắn sẽ cao hơn một vài lần khi Tết về. “So với trồng các loại hoa và rau khác, trồng hoa đồng tiền này lời hơn nhiều nhưng chi phí đầu tư cũng không ít. Nhà tui hơn 15 năm làm nghề trồng hoa, vầy mà cũng có lúc “trầy da, tróc vảy” với hoa công nghệ cao”-chị Trang, nói thêm.

Lý giải cho sự vắng bóng của những loại hoa công nghệ cao vốn đang rất được thị trường ưa chuộng từng hiện hữu phổ biến trong các nhà lồng ở An Phú, chị Trang cho rằng, hầu hết đành bỏ dở bởi vốn nhiều, chi phí cao trong điều kiện thị trường tiêu thụ chưa nhiều ổn định. Một lý do quan trọng nữa là, công bằng mà nói, hoa Gia Lai chăm kỹ kiểu gì cũng khó cạnh tranh được với hoa công nghệ cao Đà Lạt nhập”-chị Trang, cho biết thêm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm