Kinh tế

Hoạt động khai thác khoáng sản: Vẫn còn bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản ở Gia Lai đang bước vào giai đoạn tăng trưởng về quy mô. Tuy vậy, hoạt động này ít nhiều đã gây tiêu cực đến môi trường và sớm muộn sẽ làm cạn kiệt tài nguyên. Thực tế cho thấy, tuy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về việc lập, phê duyệt và thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản đã ban hành, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần được bổ sung hoàn thiện.  

Khai thác và chế biến khoáng sản tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, trong đó có 2 giấy phép do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp, với 46 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản tại Gia Lai chủ yếu là đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đá xây dựng, cát xây dựng), than bùn để sản xuất phân vi sinh, đá ốp lát (đá granit, gabro, đá bazan trụ, khối), khoáng sản kim loại (quặng sắt, quặng chì-kẽm), quặng phi kim loại (quặng fluorit, quặng fenspat). Hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, công nghệ ở mức độ trung bình.

Theo thống kê, hiện có 16 nhà máy chế biến đá ốp lát đang hoạt động với sản lượng trung bình đạt khoảng 1,2 triệu m2, 1 nhà máy sản xuất bột felspat có công suất 20.000 tấn/năm (tuy nhiên hiện đang dừng hoạt động do giấy phép khai thác mỏ hết hạn), 1 nhà máy chế biến quặng sắt có công suất chế biến 45.000 tấn/năm. Bên cạnh đó là 12 nhà máy sản xuất phân vi sinh có công suất chế biến khoảng 114.000 tấn phân vi sinh/năm, 5 nhà máy sản xuất gạch tuynen, công suất khoảng 28-39 triệu viên/năm. Thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên lĩnh vực khoáng sản không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư, khoáng sản ở Gia Lai không đa dạng về chủng loại, thông tin về chất lượng, trữ lượng của các loại khoáng sản còn hạn chế nên việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh phần lớn đều do các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện và công nghệ chỉ ở mức trung bình. Đối với các khoáng sản không phải là vật liệu xây dựng thông thường như đá granit, gabro, bazan trụ, khối…, phần lớn các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, cưa xẻ đá thành phẩm. Đối với các mỏ khoáng sản kim loại đã được cấp phép như quặng sắt, quặng chì-kẽm…, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhưng mới ở dạng tuyển, chế biến ra tinh quặng có hàm lượng cao chứ chưa chế biến tinh ra sản phẩm kim loại.

Hiện nay, trong số dự án khai thác và chế biến khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có 12 mỏ được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường và 54 mỏ đã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Nhìn chung các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã tiến hành thăm dò, khai thác theo đúng quy định đã ghi trong giấy phép, từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật như lập thiết kế khai thác, khai thác đúng thiết kế, đúng diện tích cho phép, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường... Trên thực tế, khoáng sản ở Gia Lai đang được khai thác chủ yếu là vật liệu xây dựng và than bùn nên trong quá trình khai thác, chế biến, việc gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất không đáng kể. Thêm vào đó, thường sau khi kết thúc khai thác, các đơn vị đã hoàn thổ lại diện tích đã khai thác và đổ thêm một lớp đất màu, vì vậy làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tốt cho cây trồng.

Tuy vậy, tính về lâu về dài, việc ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên là điều chắc chắn. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, nếu đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp sẽ phần nào hạn chế lãng phí và thất thoát tài nguyên cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần từng bước hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng đòi hỏi từ thực tế khách quan, tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ưu tiên quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản, thu hút tối đa mọi nguồn lực xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm