Thầy giáo Trần Vẽ |
Trước hết học sinh cần nắm được cấu trúc đề thi tốt nghiệp, gồm 2 phần: Phần thứ nhất là phần chung cho tất cả các thí sinh (8 điểm) được chia làm 3 câu: Câu I (3 điểm): Các kiến thức của phần địa lý tự nhiên và địa lý dân cư nên chú ý tập trung vào ôn phần địa lý dân cư bởi phần này chỉ có ba bài mà được 1,5 điểm trong khi đó phần địa lý tự nhiên cũng được số điểm như vậy nhưng có tất cả 15 bài.
Câu II (2 điểm): Các kiến thức của bài chuyển dịch cơ cấu kinh tế và địa lý các ngành kinh tế, thường ra dưới dạng vẽ biểu đồ hoặc phân tích số liệu thống kê, học sinh nên tập trung vào rèn luyện các kỹ năng này.
Câu III (3 điểm): Kiến thức của phần địa lý các vùng kinh tế và địa lý địa phương, đề thi thường hỏi về một trong 7 vùng kinh tế đã được học. Phần thứ hai là phần riêng (2 điểm) gồm có hai câu hỏi (thí sinh chỉ được làm một trong 2 câu), câu hỏi theo chương trình chuẩn và câu hỏi theo chương trình nâng cao.
Việc sử dụng atlat và vận dụng các kỹ năng địa lý sẽ giúp các em giảm được 50% việc học thuộc lòng một cách máy móc, không hiệu quả. Việc sử dụng atlat thường xuyên còn giúp ghi nhớ, khắc sâu kiến thức, đặc biệt là số liệu vì hầu hết các số liệu về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đều có trong atlat, các em có thể lấy số liệu này dùng cho bài làm.
Với các bài thực hành kỹ năng vẽ biểu đồ như biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đường, biểu đồ miền, các em phải vẽ chính xác, đẹp, điền đầy đủ các yêu cầu như tên biểu đồ, ký hiệu, chú giải, ghi số liệu… để từ đó có sự phân tích và nhận xét mối liên hệ giữa các số liệu; nhưng cần làm phần nhận xét thật ngắn gọn, súc tích, tránh lan man mất thời gian (chú ý: Cách nhận xét của từng dạng biểu đồ có sự khác nhau, nếu đề có 1 biểu đồ tròn, học sinh cần trả lời câu hỏi “có sự chênh lệch hay không” và dùng số liệu chứng minh; nếu có 2 biểu đồ tròn qua 2 năm khác nhau, cần nêu nhận xét về sự thay đổi, tỷ trọng của đối tượng nào tăng (hoặc giảm), tăng (giảm) bao nhiêu %.
Nếu biểu đồ hình cột hoặc đường, phần nhận xét cần trả lời cho câu hỏi đối tượng tăng hay tăng liên tục và dùng số liệu chứng minh; nếu biểu đồ miền thì cần nêu nhận xét xem có sự thay đổi hoặc chuyển dịch như thế nào). Trong khi tính toán bảng số liệu cần chú ý ghi đúng đơn vị, ví dụ: Mật độ dân số: Người/km2; bình quân lương thực: Kg/người; năng suất: Tạ/ha; bình quân thu nhập: USD/người…
Báo Gia Lai mong nhận được những ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên về cách ôn và thi đạt kết quả tốt để mở rộng và rút kinh nghiệm cho đợt ôn thi đại học, cao đẳng năm 2011. Mọi đóng góp xin gửi về chuyên mục Đồng hành cùng mùa thi, Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, Gia Lai; E-mail: baogialai@dng.vnn.vn, chebanbgl@yahoo.com.vn hoặc gldt_bgl@yahoo.com.vn. |
Thu Huế (thực hiện)