Năm học 1978-1979, nhà trường có 2 lớp cấp II (lớp 6 và lớp 7) nên tôi được điều ra dạy ở cụm trường chính. Nhóm giáo viên cấp II gồm có tôi, Phan Phước Hưng, Đỗ Ngọc Khuynh, Lưu Hồng Sơn và Hiệu trưởng Phạm Đình Bài.
Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại điểm trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vẫn sáng đèn vào mỗi tối trong tuần. Ảnh: Quang Thái- TTXVN |
Năm ấy, toàn trường có 2 lớp mẫu giáo ở thôn 1 và thôn 2 kinh tế mới dân Quy Nhơn lên, 1 lớp 1 ở làng Hlũ, 1 lớp xóa mù chữ làng Khơp, 2 lớp cấp I thôn 1, còn cụm trường chính có đủ các lớp từ lớp 1 đến lớp 7. Địa bàn xã khá rộng, từ cầu Ia Châm lên đến suối Ia Blan, giáp với thị trấn huyện và các xã B7 (Ia Pếch), B8 (Ia Krêl), B9 (Ia Dơk), B13 (Ia Krái). Phía Đông đã có Nông trường Cà phê Ia Châm. Đến giữa năm 1978 có thêm Nông trường Cà phê Ia Blan cách trung tâm xã khoảng 5 km. Nông trường này vừa được thành lập, đưa cán bộ thuộc bộ khung từ 2 nông trường ngoài Bắc vào là Quân Chu (Thái Nguyên) và Vân Du (Thanh Hóa). Đầu năm học 1978-1979, lãnh đạo Nông trường Cà phê Ia Blan xuống làm việc với nhà trường, sau khi đã có sự thống nhất với Phòng Giáo dục huyện Chư Păh về việc mở lớp học cho con em cán bộ, nhân viên, công nhân. Đồng thời, nhờ giáo viên hướng dẫn cho một cô giáo của nông trường-nguyên là giáo viên mầm non có trình độ học lực hết cấp II (ngoài Bắc) để dạy lớp 1.
Sau đó ít hôm, Hiệu trưởng nhà trường cùng tôi đi bộ lên Nông trường để làm việc cụ thể về việc mở lớp và hướng dẫn giáo viên. Thời điểm này, cơ quan nông trường bộ (như là bộ chỉ huy nông trường-từ dùng lúc bấy giờ) đóng ở một thung lũng hẹp phía dưới dốc, dọc con suối Ia Blan (các đội sản xuất thì ở xa hơn). Vừa mới đưa quân vào nên cơ sở của nông trường còn tạm bợ. Nhà làm việc và nhà ở của cán bộ, nhân viên đều là lán trại, cái thì lợp lá tranh, cái thì lợp tôn; nền đất nện, vách nứa; thậm chí giường ngủ, bàn làm việc cũng là lồ ô, tre, nứa đập dập rồi đan lại. Nước sinh hoạt thì sẵn dưới suối, lúc nào cũng đầy ắp. Khu vực xung quanh các lán trại của nông trường bộ là rừng nên việc lấy củi đun hàng ngày là “chuyện nhỏ”. Làm việc xong, thống nhất về địa điểm, thời gian mở lớp và cả lịch “tập huấn” cho cô giáo nông trường, Ban Giám đốc mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa.
Chỉ ít ngày sau, cô Hạnh khăn gói xuống trường chính để “học” phương pháp dạy lớp 1. Anh Bài cử tôi phụ trách công việc này. Trong suốt 10 ngày, tôi bàn giao lớp cho giáo viên khác còn mình thì giúp cô Hạnh tìm hiểu sách giáo khoa, cách soạn giáo án, hướng dẫn từng bước lên lớp rồi đưa cô lên lớp học để dự giờ và sau đó dạy thử.
Như đã kể, từ trụ sở nông trường bộ xuống cụm trường trung tâm ở xã khoảng 5 km. Số học sinh cuối cấp I và lớp 6, lớp 7 của Nông trường xuống đây học không thể đi về trong ngày. Nông trường rất quan tâm đến việc học của con em nên đã chuẩn bị một ngôi nhà gần bên khu nhà ở tập thể của giáo viên nhà trường vừa làm nhà kho vừa làm nơi trọ học cho các em. Nhà này trước đây là nơi làm việc của Ngân hàng huyện. Xin được nói thêm, trước năm 1977, các cơ quan huyện Chư Păh đóng ở xã Ia Grai, sau đó chuyển xuống thị trấn Ia Kha thì trên địa bàn chỉ còn lại vài cơ quan là Bệnh viện huyện, Cửa hàng dược và Trạm Vật tư nông nghiệp. Cơ sở của ngân hàng trước đây khá rộng, tường xây gạch, mái lợp tôn, đủ chỗ cho ông Thành là nhân viên quản lý kho (kiêm quản lý các em) và cho các em học hành, sinh hoạt. Vậy là, tuần nào cũng vậy, cứ trưa thứ bảy sau khi học xong thì các em cuốc bộ về ngay nông trường và chiều chủ nhật lại lục tục trở xuống, tất nhiên không quên mang theo gạo, mắm, muối, rau... Tôi nhớ số học sinh năm ấy khoảng 10 em, chỉ nhớ tên không nhớ họ: Loan, Hồng, Vinh Hoa, Hiền, Dũng, Quyền… Có lẽ là học trò nông trường nên quần áo các em thường giống nhau, đều là màu xanh công nhân, quần ống túm, ngắn trên cổ chân. Các em cấp II học khá, trừ môn Tiếng Anh do trước đó ở ngoài Bắc các em chưa được học. Học trên lớp xong về nhà trọ, bên này chúng tôi vẫn thường nghe tiếng các em đùa giỡn, gọi nhau nấu cơm cứ í ới, vang rộn cả một khoảng sân rộng trước nhà.
Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn huyện Chư Păh thành lập nhiều nông trường cà phê quốc doanh như: Nông trường 705, Nông trường Ia Blan, Nông trường Ia Châm, Nông trường Ia Grai, Nông trường Ia Sao, Nông trường Ia Sao 1, Nông trường Ia Sao 2, Xí nghiệp Cà phê Chư Păh. Đơn vị nào cũng tổ chức tốt khâu sản xuất song song với làm đường giao thông, mạng lưới giáo dục, y tế nông trường. Nông trường Cà phê Ia Blan cũng chuyển nơi làm việc, không còn đóng ven suối nữa mà lên khu đất đồi rộng và bằng phẳng hơn. Trụ sở, nhà kho, trường học… được xây dựng kiên cố. Nhà cán bộ và nhân viên nông trường chạy dọc hai bên đoạn tỉnh lộ 664. Tôi chuyển trường nhưng vẫn thường liên lạc với giáo viên trường cũ. Được biết, các em học trò nông trường đều đã học lên cấp III, một vài em học sư phạm và trở về dạy học tại huyện; có em sau khi lập gia đình, bước sang lĩnh vực kinh doanh và trở thành doanh nhân thành đạt. Cả thầy và trò năm ấy nay đều đã bước qua tuổi lục thập, nhưng có lẽ tất cả đều không quên những ngày tháng khó khăn mà vẫn nhiệt huyết, vui tươi của thuở nào.