Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ khai giảng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Sáng 12/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự Lễ khai giảng các lớp Đại học chính quy Khóa 44 (2024-2028) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại buổi Lễ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã đọc Thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín, trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; đào tạo đại học, sau đại học các ngành báo chí, tuyên truyền, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội nhân văn; là cơ sở nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, báo chí, truyền thông.
Học viện được quy hoạch đầu tư, xây dựng để trở thành trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia.
Hơn 60 năm qua, Học viện đã đào tạo và cung cấp cho xã hội gần 50.000 cử nhân, hơn 6.000 thạc sỹ và hàng trăm tiến sỹ; đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.
Đội ngũ cán bộ do học viện đào tạo, bồi dưỡng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học đầu ngành, nhà giáo có uy tín, nhà báo có tên tuổi.
Học viện còn đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh đến từ các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc… theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và các nước.
Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo các ngành, các lĩnh vực Học viện có thế mạnh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, coi đây là giải pháp then chốt để trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của cả nước.
Hoạt động khoa học của Học viện cần tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề lớn.
Là một cơ sở có uy tín và bề dày thành tích trong đào tạo lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, Học viện cần tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới toàn diện nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm đúng chủ trương, quy định của Đảng và chính sách của Nhà nước, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại; đồng thời phát huy tối đa lợi thế của một đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhất là về vị thế và nguồn lực, đóng góp chung cho sự phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết năm học 2023-2024 trên cơ sở rà soát, tích hợp các chương trình đào tạo, Học viện đào tạo 32 chương trình trình độ cử nhân; 15 chương trình trình độ thạc sỹ; 7 chương trình trình độ tiến sỹ; các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản, tuyên giáo, nghiệp vụ sư phạm và 1 chương trình liên kết quốc tế với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh).
Quy mô đào tạo hiện nay là hơn 10.400 học viên, sinh viên, trong đó có 9.290 sinh viên đại học, 868 học viên cao học và 262 nghiên cứu sinh. Trong đợt tuyển sinh đại học chính quy vừa qua, Học viện đã tuyển được 2.322 sinh viên Khóa 44.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Sơn cho biết Học viện sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm học 2024-2025; quyết tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo trên cơ sở ứng dụng hệ thống quản lý thông minh, đầu tư phần mềm làm nền tảng cho quản lý dạy và học; đồng thời tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về đào tạo và bồi dưỡng; thực hiện kiểm định chặt chẽ chất lượng đầu đầu vào, đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)