Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Gia Lai lần thứ X :Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 28-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ X nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2017. Các đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội tỉnh trong 9 tháng năm 2017 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm cần nghiêm túc nhìn nhận, phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục. Ảnh: M.N
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được, đồng thời nêu ra những hạn chế yếu kém để đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương cần tập trung làm rõ những hạn chế như: việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch các loại cây trồng chưa chặt chẽ, nhất là việc phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu; các chương trình dự án trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm triển khai. Tiến độ triển khai trồng rừng còn chậm, khó đảm bảo chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) còn chậm; nhiều địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất còn khá lớn nhưng cấp ủy, chính quyền chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn chậm hoàn thành thủ tục; công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn một số vướng mắc nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại các địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác giảm nghèo hiệu quả chưa như mong muốn, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người có công. Việc tuyên truyền vận động gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất hiệu quả chưa cao…
Trước khi chia tổ thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu các đại biểu quan tâm làm rõ nhiều nội dung trọng tâm, những vấn đề còn hạn chế và đề nghị các đại biểu cần tập trung đánh giá, thảo luận làm rõ để tìm ra giải pháp khắc phục như: Việc phát triển cánh đồng lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguyên nhân dẫn đến tiến độ trồng rừng còn chậm khó đảm bảo đạt chỉ tiêu 7.628 ha trong năm 2017; các địa phương có đảm bảo việc hoàn thành mục tiêu 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017; làm rõ những vấn đề vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án; công tác thu hồi nợ đọng thuế… 
Cùng tháo gỡ vướng mắc
Các đại biểu thảo luận đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới
Các đại biểu thảo luận đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Ảnh: M.N
Một trong những nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận đó là kết quả phát triển các vùng kinh tế động lực giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê cho rằng các tiêu chí lựa chọn vùng động lực chưa được rà soát đánh giá một cách kỹ lưỡng. Giai đoạn 2015-2020 có nhiều tiêu chí đặt ra quá cao đối với các địa phương so với thời điểm năm 2007-2008. Do vậy, tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của địa phương không đạt theo yêu cầu đặt ra. 
Thảo luận về kết quả 5 năm thực hiện Chương trình số 35 của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy: Cơ cấu ngành dịch vụ chuyển dịch từ 31,98% năm 2012 lên đến 33,52% năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2012-2017 đạt 14,42%. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng một số lĩnh vực trong ngành dịch vụ chưa ổn định. 
Theo thống kê, trong 9 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Gia Lai giảm gần 10%. Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch lưu trú ở địa phương còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được khách du lịch lưu trú. Ông Phan Xuân Vũ-Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, 5 năm qua đầu tư cho hạ tầng du lịch từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ  khoảng 150 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư vào ngành du lịch còn khó khăn, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao. “Để phát triển du lịch đòi hỏi phải đầu tư rất lớn. Việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh còn hạn chế dẫn đến kết quả khiêm tốn. Ở đây, trách nhiệm thuộc về các cơ quan tham mưu”-ông Vũ cho biết.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại 155 điểm với tổng diện tích gần 2.700 với 1.100 hộ tham gia thực hiện trên địa bàn 55 xã thuộc 9 huyện, thị xã. Điều đáng quan tâm là diện tích cánh đồng lớn hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện để thành một cánh đồng lớn theo đúng quy định. Nông dân chưa mạnh dạn tham gia, việc vận động người dân dồn điền để mở rộng cánh đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Trương Phước Anh-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo đánh giá rà soát của Bộ tiêu chí mới thì một số tiêu chí trước đây đạt cao giờ bị tụt giảm, thậm chí một số tiêu chí giảm sâu. 
Nhiều vấn đề khác
Các đại biểu sôi nổi tham gia thảo luận tổ. Ảnh: M.N
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nguyên nhân chủ quan là do công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, năng lực một số nhà thầu không đảm bảo. Hiện còn 11 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 113 dự án đăng ký và đang triển khai thực hiện, trong đó 42 dự án đã được cấp quyết định đầu tư, có 5 dự án đang vướng mắc về mặt bằng. “Sở sẽ tham mưu UBND có những giải pháp căn cơ, xuất ngân sách ứng trước cho các chủ đầu tư để triển khai đấu thầu. Đồng thời, điều chỉnh các dự án có khối lượng thấp, giải ngân thấp qua các dự án có vốn cao hơn để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình”-ông Thành khẳng định.
Trong chương trình làm việc ngày mai, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận chung tại hội trường. Hội nghị sẽ bế mạc vào chiều mai 29-9. Báo Gia Lai sẽ tiếp tục thông tin chi tiết nội dung làm việc của hội nghị.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm