Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tịch Hội nghị CG năm nay nhấn mạnh hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có rất nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới Việt Nam.
“Cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động không nhỏ tới Việt Nam, chính vì vậy Việt Nam cũng gặp phải môi trường không thuận lợi vào năm 2012", bà Victoria Kwakwa nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề yếu kém từ trong nước. Tăng trưởng tín dụng khoảng 30%/năm trong thời kỳ vừa qua đã tạo sự dễ tổn thương trong bất ổn vĩ mô. Các rủi ro liên quan tới các doanh nghiệp Nhà nước, các khu vực tín dụng, tài chính cũng ngày càng hiện rõ.
“Cả sự bất ổn vĩ mô yếu kém tổng khu vực tài chính và các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam đang yếu đi và giải quyết các vấn đề này hết sức quan trọng bởi chúng ta có thể tạo nền tảng cho tính cạnh tranh lớn hơn, mạnh hơn và giúp Việt Nam thành công trong một môi trường toàn cầu có nhiều thách thức hơn”, bà Victoria Kwakwa nhận định.
Nhận diện được những rủi ro đối với nền kinh tế, Chính phủ đã thực thi một chương trình toàn diện là Nghị quyết 11 và đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, để đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.
“Vào tháng 12, tại hội nghị toàn thể Trung ương, Việt Nam đã xác định tái cơ cấu đầu tư công, các doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tài chính là các ưu tiên cải cách trong 5 năm tới, đây là một bước hết sức quan trọng. Bước tiếp theo cần thiết là cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ để khẩn thiết cụ thể hóa việc tái cơ cấu này và thúc đẩy việc thực thi một cách đáng tin cậy,” bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định WB cùng cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế sẽ luôn song hành cùng chính phủ và nhân dân Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ thúc đẩy quá trình cải cách này.
Đồng tình với quan điểm này, Đại sứ Nhật Bản hoan nghênh chương trình cải cách của chính phủ và khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh cải cách khu vực tài chính, cải thiện cán cân vãng lai,đẩy mạnh xuất cũng như thu hút các nguồn vốn để đảm bảo thặng dư cán cân vốn… Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực thi kỷ luật về tài khóa, giảm bội chi ngân sách; đẩy nhanh cải cách hành chính để giảm chi tiêu…
“Để hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế-xã hội, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cam kết thông qua những khoản vay ưu đãi và chúng tôi kỳ vọng năm nay nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ lớn hơn con số 1,9 tỷ USD của năm trước,” Đại sứ Nhật Bản nói.
Trong phiên khai mạc, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 2011 và những định hướng chính trong năm 2012.
Theo đó, năm 2012, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh nền kinh tế, trước mắt tập trung vào ba lĩnh vực là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, tái cơ cấu lại thị trường tài chính trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Cả ba nội dung này phải được thực hiện đồng bộ cùng với các chính sách tài khóa đúng đắn.
Cùng với việc thực hiện ba khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bền vững xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển thêm nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào các công trình giao thông và đô thị lớn.
Ông Vinh cho biết thêm, trong tháng 1-2012 ba đề án tái cấu trúc nền kinh tế nêu trên và các đề án đột phá sẽ được Chính phủ Việt Nam thông qua đồng thời Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vào tháng 6-2012.
Với chủ đề “Thúc đẩy Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, Hội nghị CG dành trọn một ngày để thảo luận về các vấn đề như tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2011 và định hướng 2012; các định hướng về chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, khu vực tài chính- ngân hàng; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo (đô thị hóa, nhập cư và chính sách ứng phó).
Theo TTXVN