Chính trị

Hội nghị lần thứ 16 BCH Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng) bàn giải pháp nhiệm vụ cuối năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 5-7, Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích, đề ra những giải pháp cụ thể thời gian tới.

Tại hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng), các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, được sự quan tâm của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực và đạt kết quả quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng). Ảnh: Đức Thụy

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,02%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,26%; công nghiệp-xây dựng tăng 0,4%; dịch vụ tăng 3,84%; thuế sản phẩm đạt 7,31%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 15.094 tỷ đồng (đạt 43,1% nghị quyết, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 29.232 tỷ đồng, đạt 23,77% nghị quyết, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 525 triệu USD (đạt 70% nghị quyết, tăng 16,98% so với cùng kỳ năm 2023). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99 triệu USD (đạt 86,09% nghị quyết, tăng 23,75% so với cùng kỳ năm trước).

Vụ Đông Xuân toàn tỉnh gieo trồng hơn 81.290 ha (đạt 102,3% kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023). Sản xuất vụ mùa, toàn tỉnh gieo trồng được 104.502 ha cây trồng các loại (đạt 48,1% kế hoạch, giảm 25,9% so với cùng kỳ). Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng trong mùa khô được chú trọng. Ước tính 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh trồng được 200 ha rừng; trong đó, trồng rừng tập trung 150 ha, trồng cây phân tán 50 ha.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo thực hiện theo đúng kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 3 địa phương gồm TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện có 96/182 xã và 158 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 127 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 11.576 tỷ đồng (đạt 25,13% nghị quyết, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023). Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được chỉ đạo quyết liệt; tính đến ngày 20-6 đã giải ngân hơn 775 tỷ đồng (đạt 17,8% kế hoạch). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.370 tỷ đồng (đạt 58% nghị quyết, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước); tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.200 tỷ đồng (đạt 45,5% dự toán Trung ương giao, tăng 23% so với cùng kỳ).

6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án (giảm 5 dự án so với cùng kỳ năm 2023) với tổng vốn đăng ký là 1.024 tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ); có 500 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 47,6% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước) với tổng vốn đăng ký 5.125 tỷ đồng (tăng 9,5%);…

Đại biểu tham dự hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng). Ảnh: Đức Thụy




Văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng-an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chỉ đạo tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh đảm bảo kịp thời đến cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ các tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại như: tiến độ triển khai Kế hoạch Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; công tác lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp (chỉ mới đạt 17,77% kế hoạch); tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được theo nghị quyết (6 tháng đầu năm tăng 3,02%, trong khi chỉ tiêu năm 2024 tăng trưởng 8,6%; cùng kỳ năm 2023 tăng 5,91%, năm 2022 tăng 6,87%); công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư chậm chuyển biến; an ninh trên một số lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp;…

Nhiều đại biểu cho rằng: Những hạn chế, khó khăn nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, doanh nghiệp…; ảnh hưởng biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào, khó tiếp cận vốn tín dụng; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; trình độ công nghệ và năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn yếu; sản phẩm chưa phong phú, sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong triển khai nhiệm vụ chính trị thiếu chặt chẽ, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thu hút đầu tư. Giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm một phần do vướng về cơ chế, chính sách và điều kiện thực tế của địa phương…

Đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (mở rộng). Ảnh: Đức Thụy

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong 6 tháng đầu năm, nhất là việc lãnh đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và Kết luận Hội nghị lần thứ 14, 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nhận định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, cần phải hoàn thành khối lượng công việc rất lớn đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ đã đề ra tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ: Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là các quy hoạch trọng tâm; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục chủ động thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành; đánh giá, hệ thống lại toàn bộ các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội của nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 để tham mưu, đề xuất các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2025-2030. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2024-2029 và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ 8, nhiệm kỳ 2024-2029. Bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, kịp thời chuẩn bị nội dung, điều kiện tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra.

Các đại biểu tập trung nghiên cứu dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Đức Thuỵ

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hoạt động kết nối, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương, gắn với bảo tồn, phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa dân tộc; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn, bảo vệ biên giới, trật tự an toàn xã hội…

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng nhấn mạnh việc quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy định; quy chế làm việc của các cấp ủy, đơn vị, địa phương và kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị; các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các cuộc họp, hội nghị, buổi làm việc liên quan đến các cấp ủy, đơn vị, địa phương.

Có thể bạn quan tâm