Chính trị

Tin tức

Hội nghị trực tuyến xem xét 2 đề án chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về một số nội dung chuẩn bị trình ra kỳ họp lần thứ 3 QH khóa XIII. Tham dự và chủ trì hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Uông Chu Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH. Cùng tham gia trên hệ thống Hội nghị trực tuyến còn có Đoàn đại biểu QH của 63 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại Gia Lai ngoài các vị đại biểu QH còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên, cùng lãnh đạo một số sở ban ngành liên quan…
 

Ảnh: Thanh Nhật

Hội nghị đã xem xét báo cáo “Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH” và xác định đây là một trong những yêu cầu quan trọng để hoạt động của QH thiết thực và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Các nội dung đổi mới cần chú trọng là hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, việc tổ chức kỳ họp, đổi mới việc quyết định các vấn đề quan trọng, cải tiến hoạt động của QH gắn với việc cải tiến tổ chức bộ máy, kiện toàn chức năng và nhiệm vụ các cơ quan giúp việc, thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách đặc thù, cơ chế giám sát công tác xây dựng luật và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, gắn với cơ chế ràng buộc trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri…

Ngoài ra, Đề án còn nêu ra những định hướng và giải pháp đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là cơ sở góp phần chuẩn bị việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Đồng thời Hội nghị cũng đã xem xét báo cáo “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” của Chính phủ. Trong đó mục tiêu chung là tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 là từ 7 đến 8%/năm. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô gắn với hạn chế  lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia... Những định hướng chủ yếu cần quan tâm trong việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là phát triển cân đối, hợp lý giữa các địa phương và vùng miền, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, các định chế tài chính, đầu tư công, phát triển các thành phần kinh tế, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng khả năng ứng phó với những bất ổn, biến động của thị trường trong và ngoài nước, góp phần củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế…

Ngoài việc đề ra các nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện, “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” còn nhấn mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở vùng nông thôn, giải quyết nhu cầu lao động việc làm và đời sống cho người nông dân sau khi Nhà nước thu hồi đất trong quá trình chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ…

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm