(GLO)- Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhiều vùng trở nên khô hạn với những cánh đồng nứt nẻ, những giếng nước trơ đáy, người dân ở một số nơi phải vất vả đi tìm nước về sinh hoạt… Ấy thế nhưng, nhờ con đập chứa nước Đak Chơ Mai được sửa chữa kịp thời, người dân ở các làng Đak Hlă, Tlă (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) đã thoát khỏi tình trạng này.
Sau gần 3 tháng thi công, sửa chữa, đập chứa nước Đak Chơ Mai đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của đông đảo bà con, nhất là những người được hưởng lợi trực tiếp từ công trình.
Công trình thủy lợi Đak Chơ Mai. Ảnh: P.D |
Dẫn chúng tôi tham quan con đập chứa nước, ông Nung-Trưởng thôn Đak Hlă phấn khởi: “Cánh đồng này vẫn còn nhiều khoảng đất trống do thiếu nước nên bà con chưa sản xuất. Giờ đập đã được sửa chữa xong, nguồn nước dồi dào, chắc chắn bà con sẽ tận dụng hết diện tích để trồng cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác”. Theo ông Nung, đập chứa nước Đak Chơ Mai được Nhà nước đầu tư xây dựng cách đây 10 năm với nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 20 ha cây trồng của bà con 2 làng: Đak Hlă và Tlă. Nhờ con đập này mà người dân trong làng đã biết canh tác lúa nước hai vụ thay cho lúa nương rẫy. Một số hộ dân còn tận dụng nguồn nước từ đập để trồng cây công nghiệp dài ngày, như hồ tiêu, cà phê. Đời sống của người dân nhờ vậy cũng dần được cải thiện.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, đập chứa nước bị xuống cấp trầm trọng, móng đập bị xói mòn tạo nên một lỗ thủng lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Khi con đập bị hư hỏng, những hộ dân có đất sản xuất tại cánh đồng này phải tự xoay xở tìm cách dẫn nước vào đồng ruộng. Một số gia đình có điều kiện kinh tế đã hợp tác thuê máy múc đào mương đưa nước về và tổ chức dẫn nước luân phiên. Còn một số hộ có diện tích nhỏ lẻ, xa nguồn nước đành chấp nhận phó mặc cho… trời! Trong suốt thời gian con đập bị hư hỏng, cánh đồng Bok Chiêng rơi vào cảnh khô khát. “Gần 50% hộ dân của làng có đất sản xuất tại cánh đồng này, nhưng thời gian qua, do không đủ nước tưới nên một số diện tích cà phê mới trồng bị chết, còn một số diện tích lúa cho năng suất kém khiến cho cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Làng vẫn còn 30/68 hộ nghèo”-Trưởng thôn Nung cho hay.
Nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, từng bước thoát nghèo, cuối năm 2015, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã quyết định hỗ trợ 348,8 triệu đồng để xây dựng, tu sửa lại đập chứa nước. Anh Huỳnh Quốc Nam-cán bộ tư vấn đấu thầu của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mang Yang, cho biết: Ngay khi được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư tài chính, đơn vị đã tiến hành xây dựng, tu sửa móng đập với chiều dài 8,2 mét-xây móng bê tông cốt thép mác 200. Đồng thời, đơn vị cũng tiến hành sửa chữa thân đập với chiều dài 12,97 mét và xây đập bằng bê tông cốt thép mác 200; thiết kế thêm mương dẫn nước bê tông cốt thép kích thước 50 cm x 70 cm, chiều dài 54 mét. Bên cạnh đó, dự án còn thiết kế thêm cống bản ngang đường phía đầu đập kích thước 60 cm x 60 cm, dài 7 mét. Sau gần 3 tháng khẩn trương thi công, cuối tháng 2-2016, con đập đã hoàn thành để trở về với đúng vai trò, nhiệm vụ chứa nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân các làng. Đặc biệt, sau khi được sửa chữa và xây dựng thêm mương dẫn nước, cống bản, công trình càng thêm kiên cố và có thể cung cấp đủ nước cho cánh đồng 30 ha, tăng thêm 10 ha, vượt dự kiến thiết kế ban đầu.
Hướng tầm mắt về phía con đập, ông Nung nói: Tương lai không xa, nhiều diện tích đất trống sẽ được phủ xanh và cuộc sống của bà con sẽ thoát nghèo bền vững trên chính những thửa ruộng của bà con mà lâu nay có nhiều hộ đã bỏ hoang vì không có nước tưới!
Phương Dung