Ngày 16-3, các chuyên gia về giao thông vận tải, đại diện các thành phố lớn khu vực châu Á và các tổ chức quốc tế đã tham dự hội thảo "Làm dịu thay đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả và giao thông đô thị bền vững," do Liên hợp quốc tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Trong cuộc hội thảo kéo dài hai ngày 16 đến 17-3, các đại biểu thảo luận về những biện pháp nhằm kết nối các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm và xe lửa thành một hệ thống đồng bộ, phục vụ phát triển bền vững.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh số người sống trong các đô thị đang ở mức cao chưa từng có và ngày càng nhiều người muốn sở hữu ôtô. Vụ Các vấn đề kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc (DESA) cho biết, giao thông vận tải chiếm 23% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới trong năm 2006 và đang nổi lên như là nguồn khí thải có tốc độ tăng nhanh nhất.
Các công trình nghiên cứu mới đây về lợi ích của giao thông công cộng, như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm xăng dầu và nâng cao sức khỏe cộng đồng cũng được giới thiệu tại hội thảo.
Giám đốc Vụ Phát triển bền vững của DESA Tariq Banuri cho biết không phải ngẫu nhiên mà hội thảo này được tổ chức tại Seoul, nơi có hệ thống giao thông công cộng vào loại hiệu quả nhất thế giới. Ông hy vọng các đại biểu sẽ được tận mắt chứng kiến những lợi ích mà hệ thống giao thông công cộng bền vững đang mang lại cho 10 triệu dân của thành phố Seoul.
Theo DESA, tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực là những nhân tố quyết định thành công của hệ thống giao thông công cộng bền vững. Tuy nhiên, ông Banuri lưu ý rằng không thể có giải pháp chung, đơn giản cho mọi thành phố. Mỗi quốc gia, mỗi thành phố phải tìm ra cách tiếp cận của riêng mình, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình.
Phát biểu tại hội thảo, ông Yvo de Boer, Thư ký Chấp hành của Hội nghị khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng do giao thông vận tải là nguồn gây khí thải lớn, nên mọi nỗ lực nghiêm túc nhằm đối phó với khí hậu thay đổi đều phải tính tới giao thông. Ông kêu gọi các nước không nên tiếp tục đưa ra "những quyết định sai lầm", do chịu sức ép của các nhà sản xuất ôtô.
Ông Yvo de Boer lấy ví dụ các công ty chế tạo ôtô đã rất tích cực vận động nhằm ngăn chặn bang California, Mỹ ban hành quy định về tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu hiệu quả. Ông lưu ý rằng một số công ty sản xuất ôtô đã đưa ra những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu và "nay là lúc những loại xe này cần có mặt trên đường, thay thế các loại xe tiêu hao nhiều nhiên liệu hiện nay".
Theo TTXVN