Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hội trường 2-9: Nơi đánh dấu sự phát triển tỉnh nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tọa lạc ở một vị trí đắc địa trên đường Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku), Hội trường 2-9 nằm đối diện với một mặt của trụ sở UBND tỉnh và gần với trụ sở Tỉnh ủy. Nhìn bên ngoài, Hội trường 2-9 là một khối kiến trúc mang dáng vẻ uy nghi của nơi công quyền bởi khoảng sân rộng và hàng cột trụ tròn to cao sừng sững ngay trước sảnh. Tuy nhiên nhìn tổng thể, tòa nhà vẫn có nét thân thuộc, giống như một rạp chiếu phim cổ điển với 2 hành lang dài 2 bên cánh gà của căn phòng rộng dùng làm hội trường chính. Cùng với 4 căn phòng nhỏ chia đều án ngự ở đầu và cuối mỗi dãy hành lang tạo cho tòa nhà thêm vững chãi theo thế “tứ trụ”. Theo cầu thang bộ đi lên tầng lầu, phía trước sảnh lan can rộng khi xưa, bây giờ đã được cải tạo thành một phòng họp nhỏ…
 

Ảnh: Đ.T

Cho đến nay, những người hiểu tường tận về lịch sử ra đời của Hội trường 2-9 không còn nhiều. Ngay cả những cán bộ trực tiếp quản lý tòa nhà này thuộc Phòng Hành chính Quản trị (Văn phòng UBND tỉnh) cũng không thể tường tận vì một lẽ hầu hết họ là những người trẻ tuổi. Còn lớp tiền bối như ông Ngô Thành năm nay 90 tuổi-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy giai đoạn 1983-1993 cũng chỉ nhớ mang máng là “tòa nhà được xây dựng đâu từ những năm 1979-1980 thì phải”.

Theo ông Ngô Thành, vị trí xây dựng Hội trường 2-9 lúc mới giải phóng tỉnh là một bãi đất trống nằm trong khuôn viên với căn nhà sàn gỗ của Tỉnh trưởng Pleiku thuộc chế độ cũ (sau ngày giải phóng có một thời gian nhà sàn này được trưng dụng làm nơi ở của Anh hùng Núp). Phía sau bãi đất trống đó có một dãy nhà cấp 4 vốn thuộc khu gia binh chế độ cũ. Ông Ngô Thành cho biết, khoảng năm 1979, tỉnh Gia Lai-Kon Tum cho xây dựng ở mảnh đất trống này một căn nhà cấp 4 to rộng để làm nơi hội họp. Ban đầu là nơi họp của UBND tỉnh. Khoảng năm 1983-1984, tỉnh bắt đầu dùng tòa nhà này để làm hội trường. Tuy nhiên, phải sau thời điểm năm 1991, khi chia tách tái thành lập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, trụ sở Tỉnh ủy từ đường Lê Hồng Phong chuyển về vị trí bây giờ, Hội trường 2-9 mới trở thành hội trường chung của tỉnh.

Còn ông Huỳnh Xuân Các (69 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh)-người trực tiếp “trông coi” Hội trường 2-9 thời điểm năm 1985 trở về trước cho hay, về cơ bản kiến trúc tổng thể của tòa nhà hồi trước cũng giống như bây giờ. Chỉ có khác là tòa nhà bây giờ được cải tạo hiện đại hơn, tường ốp đá, ốp gỗ, trần được ốp la phông sang trọng, đẹp đẽ; trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy lạnh hiện đại… Theo ông Các, thời điểm năm 1979, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy là ông Tạ Quang Kim nhận nhiệm vụ Trưởng ban xây dựng Hội trường 2-9. Sở Xây dựng Gia Lai-Kon Tum là đơn vị phụ trách xây dựng hội trường. Trần của tòa nhà hồi đó được gác dầm bê tông rồi ghép các tấm bê tông đúc sẵn lên trên (chứ không đổ bê tông như công nghệ làm trần nhà bây giờ).

Ban đầu, phòng họp chính Hội trường 2-9 có 400 ghế ngồi theo kiểu ghế gỗ lật như rạp chiếu phim ngày xưa (không có bàn). Từ ngày xây dựng đến nay, Hội trường 2 -9 đã qua 2 lần cải tạo lớn. Ở lần cải tạo đầu tiên, toàn bộ ghế ngồi dạng lật được thay thế bằng ghế gỗ 3 nan (loại ghế đẩu có dựa lưng) và có bàn gỗ loại 2 chỗ ngồi có hộc như bàn học sinh. Cách đây 5-6 năm, Hội trường 2-9 trải qua đợt cải tạo lớn, trở thành tòa nhà uy nghi hoành tráng như bây giờ.

…Sau gần 40 năm đưa vào hoạt động, Hội trường 2-9 đã trở thành địa chỉ tổ chức hầu hết các sự kiện lớn, ghi dấu những mốc son đáng nhớ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh. Từ tòa nhà này, các thế hệ tập thể lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm