Phóng sự - Ký sự

Hồi ức về những ngày chống FULRO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau giải phóng, trong khi cả nước bước vào giai đoạn kiến thiết, dựng xây để hàn gắn những vết thương chiến tranh thì trên mảnh đất Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung vẫn phải tiếp tục với cuộc chiến chống tổ chức phản động FULRO. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh, những hy sinh mất mát vẫn còn in sâu trong tâm trí của những người chiến sĩ từng tham gia cuộc chiến này...

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế của đất nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực thù địch và tổ chức phản động FULRO ráo riết hoạt động, tập hợp lực lượng để phục hồi tổ chức, tìm cách móc nối với các thế lực thù địch ở bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng.

 

Ông Phạm Đức Tấn-nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh. Ảnh: L.A

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến hết sức phức tạp. Bọn FULRO tổ chức thành nhiều cơ sở nhỏ, xâm nhập hoạt động trên diện rộng để tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo người dân trốn vào rừng và bí mật xây dựng cơ sở tại chỗ để dễ bề hoạt động và khống chế dân làng. Điểm nóng về hoạt động của FULRO trên địa bàn Gia Lai-Kon Tum thời gian đó tập trung tại các xã Hòa Bình, Ya Chim, Kroong của thị xã Kon Tum, các xã của huyện Đak Tô (Kon Tum) và địa bàn huyện Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah, Ayun Pa (Gia Lai). Được sự giúp đỡ của bọn phản động lưu vong, cùng với các loại vũ khí chiếm được sau chiến tranh, bọn FULRO hoạt động hết sức manh động, chúng liên tục tập kích vào các thôn, làng để cướp bóc, giết hại nhân dân.

Nói về tội ác của bọn FULRO, dù đã hơn 35 năm trôi qua, nhưng với ông Phạm Đức Tấn-nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh vẫn chưa thể nào quên sự việc xảy ra vào tháng 5-1979 (khi đó ông đang phụ trách địa bàn huyện Mang Yang): “Vào buổi sáng, chúng tôi nhận được tin báo có 7 thanh-thiếu niên ở xã Hneng trong lúc đi hái xoài thì bị bọn FULRO bắt giữ. Ngay sau đó, tôi trực tiếp tổ chức lực lượng vào để giải cứu, nhưng khi vào đến nơi thì bọn chúng đã rút vào rừng, kiểm tra thì thấy cả 7 người đã bị chúng giết hại một cách rất dã man. Trong đó, có 2 cháu bị chúng chặt đầu, 5 người bị chúng đóng cây tre từ phần bụng lên đến miệng…”-ông Tấn nhớ lại. Trước tội ác đó, liên tiếp những ngày sau đó, Công an huyện Mang Yang đã phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn truy quét FULRO trên diện rộng và sau trận đánh ở xã Ia Pết (Mang Yang cũ), ông Tấn cùng với các lực lượng đã tiêu diệt được 3 đối tượng, đánh bật bọn chúng ra khỏi khu vực dân cư.


Cũng là một trong những người đầu tiên tham gia tiếp quản tỉnh Gia Lai-Kon Tum sau giải phóng, ông Đàm Quang Sáng-nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh đã tham gia rất nhiều cuộc truy quét FULRO và cũng nhiều lần chứng kiến sự hy sinh mất mát của nhân dân, đồng chí, đồng đội: “Từ năm 1979 đến năm 1986 là giai đoạn khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống tổ chức phản động FULRO. Ngoài việc gây ra hàng loạt tội ác, chúng còn đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, len lỏi vào trong nhân dân nhằm kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong dân và kích động người dân trốn ra nước ngoài khiến tình hình trở nên phức tạp. Thời gian này, lực lượng Công an liên tục tổ chức truy quét nhằm ngăn chặn âm mưu của chúng và trong lần truy quét FULRO tại khu vực xã Biển Hồ, 2 đồng chí của tôi là Thành và Đại đã anh dũng hy sinh…”- nói đến đây hai mắt ông ngấn lệ.

Cũng theo lời kể của những người đã một thời tham gia chiến đấu chống FULRO, thì ngoài làm nhiệm vụ truy quét FULRO đang lẩn trốn, các lực lượng phải liên tục bám địa bàn để vận động, thuyết phục cho người dân hiểu đúng chủ trương chính sách, không nghe theo FULRO. Mặt khác vận động nhân dân tố giác để triệt phá các cơ sở ngầm của địch và tiêu diệt các toán FULRO vũ trang hoạt động trong rừng. Mặc dù điều kiện sinh hoạt và công tác khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ tinh thần kiên quyết đấu tranh của các lực lượng, ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Qua các đợt tấn công liên tiếp từ năm 1979 đến năm 1986, tổ chức FULRO đã bị tiêu diệt và tan rã, nội bộ của chúng bị phân hóa, nhiều tên đã ra đầu thú, góp phần quan trọng tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề FULRO trên địa bàn tỉnh thời gian sau đó.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm