Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt Kế hoạch phòng chống cúm gia cầm giai đoạn 2014 - 2018.
Mục tiêu của kế hoạch là từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch lây lan trên diện tích, chủ động xây dựng vùng an toàn dịch cúm gia cầm, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam từ năm 2018.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là tập trung khống chế, giảm tỷ lệ các vùng có nguy cơ cao. Đến năm 2015 có 60% tỉnh, thành phố chuyển sang vùng nguy cơ dịch thấp; năm 2018 cả nước có 80% tỉnh, thành phố chuyển sang vùng nguy cơ dịch thấp. Các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ sạch cúm gia cầm H5N1 vào năm 2018.
Ngân sách Trung ương dành thực hiện kế hoạch trong 5 năm là hơn 132 tỷ đồng.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết tính đến hết ngày 14-3, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh ở địa phương báo cáo (các địa phương có ổ dịch cũ qua 21 ngày gồm có: Quảng Ngãi, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương và Hà Tĩnh). Hiện cả nước còn 39 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 16 tỉnh, thành phố.
Theo nhận định của Cục Thú y, các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời. Riêng các tỉnh Khánh Hòa và Trà Vinh có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.
Vì vậy, các địa phương cần tích cực triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng dịch, đồng thời cần chống dịch cúm gia cầm trong toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 519/BNN-TY ngày 18-2-2014.
Theo Chinhphu.vn