Canh tác cà phê bền vững, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường là xu thế chung của ngành cà phê hiện nay. Tuy mới triển khai được vài năm nhưng đã có nhiều nông dân và doanh nghiệp cà phê tiếp cận với các loại hình sản xuất cà phê theo quy chuẩn chứng nhận UTZ Certified.
Cà phê là mặt hàng chủ lực chiếm giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn trên địa bàn Gia Lai. Toàn tỉnh hiện có khoảng 76.000 ha cà phê, dự kiến diện tích cây cà phê đến năm 2015 là 77.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 76.400 ha, sản lượng đạt 177.700 tấn. Đến năm 2020, diện tích cà phê sẽ đạt 80.000 ha, sản lượng hơn 190.000 tấn. Những năm 90 thế kỷ trước, năng suất bình quân 1 ha cà phê kinh doanh đạt rất thấp nhưng gần đây cùng với việc tăng nhanh về diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng năng suất cà phê rõ rệt, bình quân 1 ha đạt khoảng 4-6 tấn nhân, đặc biệt các vùng sản xuất cà phê có chứng nhận tiêu chuẩn UTZ đạt năng suất cao hơn bình thường.
Ảnh: K.N.B |
Bước đầu, sản xuất cà phê có chứng nhận mang lại hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở tỉnh thực hiện mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận với diện tích ban đầu 500 ha triển khai ở huyện Chư Prông, Công ty đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến hiện đại, cùng với nguồn vốn đủ mạnh để tham gia liên minh với nông dân. Song, quy trình sản xuất rất chặt chẽ, khắt khe nên ở một số khâu nông dân áp dụng chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cà phê. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để dự án mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội, tạo nên chuỗi giá trị trong liên minh”.
Ngoài huyện Chư Prông, Chư Sê là vùng có diện tích cà phê chứng nhận khoảng 1.000 ha ở thị trấn Chư Sê, xã Dun, Ia Hlốp, Al Bá. Theo kinh nghiệm của ông Đoàn Mạnh Tuyên-một nông dân ở thị trấn Chư Sê thì mỗi ha cà phê chứng nhận UTZ Certified có năng suất cao hơn khoảng 15%, giá bán cao hơn khoảng 500 ngàn đồng/tấn so với cà phê sản xuất thông thường, ngược lại chi phí cũng giảm đáng kể từ 15% đến 20%. Tham gia vào dự án này, nông dân được hưởng lợi nhiều thứ, trong đó được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, sơ chế, bảo quản… để tăng giá trị cho sản phẩm.
Nhiều nông dân ở các địa phương khác muốn tham gia chương trình phải thông qua tổ chức hay công ty nên khó chủ động. Đó là lý do vì sao cà phê sản xuất có chứng nhận triển khai đã vài năm nhưng diện tích vẫn chưa tăng. Trên thị trường thế giới, cà phê có chứng nhận đã được bán giá cao hơn cà phê sản xuất theo cách lâu nay vẫn làm. Bởi tiêu chuẩn này giúp người mua truy nguyên được nguồn gốc và minh chứng cho sản xuất cà phê có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng, chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận theo hướng sản xuất bền vững là chiến lược lâu dài mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, nhằm tạo ra chuỗi giá trị kinh tế vượt trội cho mặt hàng cà phê khi đang ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cà phê toàn cầu.
Thảo Nguyên