Hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Song song với việc triển khai mạng lưới phòng-chống bệnh lao được duy trì hoạt động thường xuyên ở 19 tổ công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai (mỗi tổ đều có cán bộ lâm sàng khám bệnh, giám sát và bệnh nhân được xét nghiệm trực tiếp trong quá trình điều trị), công tác triển khai chương trình chống lao quốc gia tổ chức thường niên tại tỉnh được chú trọng quan tâm. Việc phát hiện và khống chế tình hình dịch tễ bệnh lao tại các địa phương được nâng lên và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong năm 2010 là 625 người, trong đó số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện tăng 35 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2009. Đa phần các bệnh nhân lao được phát hiện đều điều trị tại nhà thông qua việc cấp thuốc cho bệnh nhân giao cho cán bộ y tế xã, phường cấp phát 1 lần/tháng được duy trì đều đặn, góp phần thuận lợi trong công tác điều trị liên tiếp của các bệnh nhân và đây cũng chính là nỗ lực rất lớn của chương trình chống lao trên toàn tỉnh trong những năm qua.
Tuổi trẻ Gia Lai hưởng ứng Ngày Thế giới phòng-chống bệnh lao (24-3). Ảnh: Nguyễn Giác
Tuổi trẻ Gia Lai hưởng ứng Ngày Thế giới phòng-chống bệnh lao (24-3). Ảnh: Nguyễn Giác
Bên cạnh đó, công tác phòng-chống bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa được tăng cường, riêng trong năm 2010, cán bộ  khoa Lao thuộc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh (nay là Bệnh viện lao và Bệnh phổi tỉnh) đã triển khai khám phát hiện bệnh tại các huyện: Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa với trên 50 ngàn người được tầm soát, trong đó phát hiện dương tính 26/743 ca qua xét nghiệm.
Ông Nguyễn Đại-Giám đốc Bệnh viện lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: So với năm 2008, số bệnh nhân được điều trị khỏi là 240/297 bệnh nhân (chiếm 80,8%) thì nay con số này đã nâng lên gần 90% trong số 288/325 người được điều trị khỏi. Cùng với đó, số bệnh nhân bỏ trị, điều trị thất bại hay tử vong cũng đều giảm. Kết quả trên phần lớn do được sự quan tâm chỉ đạo từ phía tỉnh và sự nỗ lực của toàn ngành Y tế trong công tác phòng-chống các bệnh xã hội nói chung và điều trị bệnh lao nói riêng.
Năm 2010 là thời điểm đáng được ghi nhận và là tín hiệu vui cho những cán bộ đảm trách công tác phòng-chống bệnh lao của tỉnh với việc Bệnh viện lao và Bệnh phổi tỉnh được hoàn thành với kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, xây dựng tại xã Trà Đa (cách trung tâm TP. Pleiku gần 3 km) với quy mô 2 tầng, 70 giường bệnh điều trị nội trú là điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng, nơi đây vẫn chưa thể tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nào bởi các trang-thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu, với ước tính mỗi năm có thêm khoảng 180 ngàn người mắc bệnh, trong số đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc và có đến trên 20 ngàn người chết do lao.


Mục đích của chương trình chống lao quốc gia tại Việt Nam là giảm tỷ lệ mắc, chết và lây truyền bệnh trong cộng đồng, bao gồm cả ảnh hưởng về tâm lý-xã hội gây ra bởi bệnh lao và phòng ngừa bệnh lao kháng thuốc nhằm góp phần vào chiến lược xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng của Việt Nam.

Tình trạng khoán trắng công tác phòng-chống bệnh lao cho ngành Y tế và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa còn quá ít, cán bộ phụ trách phòng-chống lao tại tuyến xã lại thường xuyên thay đổi do chế độ phụ cấp đặc thù chưa có… sẽ tác động không nhỏ đến công tác tầm soát và loại trừ bệnh lao theo mục tiêu đề ra của chương trình chống lao quốc gia được triển khai tại tỉnh ta trong thời gian đến.
Dù đã có nhiều chuyển biến nhưng Gia Lai vẫn là một trong số các địa phương có số ca mắc bệnh lao lớn chưa được phát hiện và điều trị trong cộng đồng. “Đổi mới phương thức hành động tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam” như đã đề ra trong Ngày Thế giới Chống lao năm 2011, các cấp, các ngành trong tỉnh, toàn xã hội cần nỗ lực phát hiện bệnh nhân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng tránh sự kỳ thị đối với người bệnh.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm