(GLO)- Nghề trồng rau ở 2 xã Tân An và Cư An (huyện Đak Pơ) đã có từ rất lâu đời, khi người nông dân phát hiện ra mình được sở hữu những mảnh đất vườn tơi xốp, màu mỡ, cùng với kiểu khí hậu mát mẻ. Và hiện nay các nhà vườn ở đây đang hướng đến một thương hiệu mang tên “Rau Đak Pơ”.
Ông Trần Hùng Sơn là người có thâm niên với nghề trồng rau hơn 30 năm ở thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đak Pơ. Ông cho biết: Năm nay, thời tiết thất thường nên giá rau cao hơn so với năm trước. Tranh thủ thời cơ ấy, người dân tăng cường đầu tư, thâm canh để có những vườn rau tốt nhất. Quan sát chúng tôi nhận thấy bên cạnh những ruộng su hào, cải bắp, xúp lơ đã lên xanh mơn mởn, bà con đang tích cực cày xới chuẩn bị xuống giống các loại cây ngắn ngày như: hành, mùi, xà lách… để kịp bán vào dịp Tết.
Trên những con đường chạy vào làng rau, những chiếc xe chở rau ra vào nhộn nhịp, khắp làng trên xóm dưới nhịp sống như tập trung cả vào những luống rau xanh mướt. Tết đến, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 tấn rau được xuất đi cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, Huế… “Rau bán Tết chủ yếu là xà lách. Ở đây, vào dịp Tết có khoảng 10 chiếc xe tải, mỗi chiếc khoảng 15 tấn, chở đi tiêu thụ tại Đà Nẵng, Huế”- ông Sơn nói.
Nghề trồng rau ở Đak Pơ có từ khoảng hơn 40 năm nay, do những người quê từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp khởi xướng. Ban đầu họ chỉ trồng vài ba luống trong vườn để ăn, rồi dần hình thành một vùng rau. Những năm gần đây, rau xanh có giá, hàng trăm người dân trồng rau chuyên nghiệp quanh năm và thoát nghèo nhờ nghề này. 2 xã Tân An, Cư An trở thành vựa rau lớn của huyện Đak Pơ và cả tỉnh Gia Lai.
Khi trồng rau cho thu nhập gấp ba lần trồng lúa thì khát vọng làm giàu từ rau vẫn đang cháy bỏng trong rất nhiều người dân nơi đây. Và dù ít hay nhiều thì người làm rau vẫn có điểm thuận lợi hơn người trồng các loại cây khác là có thu nhập thường xuyên. Chuyện mất mùa là không tránh khỏi. Nhưng, vụ này bù vụ kia, cây rau vẫn là cây trồng chủ lực, là nghề chính của nông dân 2 xã Tân An và Cư An. Mấy mươi năm trôi qua, câu nói “mùa nào thức ấy” nay không còn phù hợp.
Ông Trần Đại Nghĩa, thôn Hiệp An, xã Cư An, vừa cắt những bắp cải cho vào bao chuẩn bị nhập cho thương lái nhớ lại: “Thời kỳ trước, cây trồng không đa dạng. Đa số là bắp cải, khổ qua thời đó giống chưa có. Hồi trước, bắp cải chỉ trồng được vào mùa lạnh thôi, nhưng hiện nay trồng vào mùa nào cũng được”.
Ông Nguyễn Tiến Lực, thôn Tân Sơn, xã Tân An cho hay: Trong 2 năm qua, người trồng rau được Chi cục Đo lượng Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh tập huấn và thử nghiệm mô hình trồng rau sạch. Tuy hiện nay mô hình trồng rau sạch chưa được triển khai một cách đại trà, nhưng bà con nông dân ở đây đã ý thức được việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cũng như chuyển sang dùng các loại thuốc trừ sâu vi sinh để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giảm chi phí sản xuất. “Ở đây đã được thành lập một tổ sản xuất rau an toàn. Bà con rất nhiệt tình tham gia. Những kinh nghiệm trước đây họ cũng sẵn có rồi. Họ biết sử dụng những loại thuốc có thời gian cách ly ngắn, dùng các loại thuốc vi sinh, chứ không dùng các loại thuốc gây ô nhiễm. Mong muốn của bà con là huyện cho triển khai mô hình Vietgap, nhưng phải có đầu ra ổn định.
Khi sản phẩm làm ra có giá cả ổn định thì bà con mới yên tâm”-ông Lực chia sẻ.
Một năm không ít khó khăn với các vựa rau ở Đak Pơ sắp trôi qua. Đến đây vào những ngày cận Tết, chúng tôi có cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Năm mới đến cũng là lúc những người trồng rau nhìn lại những gì đã đạt được và cầu mong những vụ mùa thắng lợi.
Nguyễn Hiền