Kinh tế

Hướng đi mới cho nông thôn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hai ngày (10 và 11-3), tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng đã chủ trì Hội nghị về công tác phát triển nông thôn toàn quốc. Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT và các Chi cục Phát triển Nông thôn của 64 tỉnh thành phố tham gia Hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nông thôn mới. Biểu hiện cụ thể là các chương trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chương trình tam nông.

Nước sạch về làng. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, nhìn chung các chương trình phát triển nông thôn còn khá mới mẻ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, lại cần rất nhiều vốn, với thời gian triển khai lâu dài. Trong thời gian qua, các nội dung chậm được cụ thể hóa thành quy hoạch, kế hoạch cụ thể, có tính pháp lý. Đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn còn thiếu, hầu hết được trưng dụng từ các ngành khác sang, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa có hệ thống đào tạo các kiến thức chuyên sâu. Cách tổ chức triển khai công tác còn lúng túng, chưa có tính thống nhất giữa các địa phương. Các xã điểm chưa được tổng kết đúc rút kịp thời thành các bài học giúp cho việc triển khai ra diện rộng, trong lúc chỉ còn 10 năm nữa để đưa nông thôn Việt Nam lên văn minh hiện đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định: Không thể cứ có nghị quyết về vấn đề gì là phải có “bài” tăng biên chế. Ông đề nghị các tỉnh trên cơ sở cân đối các nhiệm vụ, điều hòa, điều phối con người giữa các bộ phận trong từng ngành. Các mảng công việc đã làm tốt, cần chuyển bớt biên chế sang lĩnh vực phát triển nông thôn. Về giải pháp tổ chức, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, do Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan thường trực, có các tổ công tác giúp việc…

Ông Lã Văn Lý- nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, người đã có nhiều năm lăn lộn trăn trở với công tác phát triển nông thôn nhận định: Nước ta có một bộ máy làm công tác nông nghiệp và PTNT rất bài bản. Tuy nhiên các năm qua, cả guồng máy này chỉ tập trung chủ yếu cho nông nghiệp, ít để tâm đến công tác phát triển nông thôn. Toàn xã hội cũng vậy. Quen làm nông nghiệp, ít kiến thức cơ bản về phát triển nông thôn. Ông Lý đề nghị, cần đưa công tác phát triển nông thôn vào thành các chương trình đào tạo trong  trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Cần tạo ra những chuyên gia giỏi về công tác phát triển nông thôn. Có như vậy mới mong làm tốt công tác “tam nông”, xây dựng nông thôn mới. Vì xây dựng nông thôn mới không chỉ như làm đường, xây cầu cống, có tiền giao cho chủ thầu là xong. Xây dựng nông thôn mới cần cả hạ tầng, cần cả thiết kế khu dân cư, nhưng cũng cần tính toán việc sản xuất của nông dân, các yếu tố văn hóa tinh thần, lễ hội tâm linh và thiết chế chính trị… Nghĩa là nói theo kiểu triết học, phải làm cả hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là kinh phí đầu tư cho công tác quy hoạch và kinh phí cho toàn bộ chương trình. Có tỉnh khẳng định đơn giản chỉ cần 10 tỉ đồng/xã là “xong” nông thôn mới, trong lúc có tỉnh đưa ra con số khoảng 500 tỉ đồng. Qua thảo luận, cũng như kết quả rút ra từ các xã làm điểm cho thấy, việc quy hoạch cần khoảng 150 triệu đồng/xã đồng bằng và 200 triệu đồng cho 1 xã miền núi; tổng kinh phí đầu tư cho 1 xã đồng bằng khoảng 150 tỉ đồng, 1 xã miền núi khoảng 200 tỉ đồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa phần các ý kiến đều thống nhất công tác tuyên truyền vận động sẽ là khâu then chốt quyết định sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, và vì thế nguồn vốn huy động từ người dân cho chương trình là vô cùng quan trọng, nguồn vốn ngân sách chỉ mang tính hỗ trợ ban đầu. Có lẽ đây là hướng đi mới cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Phạm Đức Long

Có thể bạn quan tâm