Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- L.T.S: Nhân 65 năm Ngày Nhân quyền Thế giới và sự kiện Việt Nam vừa được Liên hợp quốc bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Báo Gia Lai phỏng vấn ông MĂNG ĐUNG-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh. Xin giới thiệu cùng độc giả.

- P.V: Với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo về nhân quyền của tỉnh, xin ông cho biết khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo?

Ông Măng Đung: Ban Chỉ đạo về nhân quyền tỉnh có chức năng tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn theo Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư, Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 14-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 04/KH-TU của Tỉnh ủy Gia Lai và Quyết định 668/QĐ-UBND ngày 13-10-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền.

Ban Chỉ đạo có những nhiệm vụ sau: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác nhân quyền; giúp UBND tỉnh xây dựng nội dung phục vụ công tác tuyên truyền, đối thoại về nhân quyền với các đoàn, các tổ chức quốc tế. Chỉ đạo các thành viên tổ chức nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các chủ trương, kế hoạch, hình thức, biện pháp bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền.

- P.V: Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong việc bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh trong năm 2013?

Ông Măng Đung: Chúng ta đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 44 của Ban Bí thư Trung ương; Quyết định số 366 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 04 của Tỉnh ủy và Quyết định 668 của UBND tỉnh về bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới. Tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Phòng-chống bạo lực gia đình và việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, Luật Phòng-chống buôn bán người, Luật Bình đẳng giới… Tổ chức triển khai lấy ý kiến, tham gia góp ý vào các dự thảo luật và các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người đều được các ban ngành của tỉnh quan tâm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là việc triển khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Hiến pháp 1992 được tổ chức nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất để mọi tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.

Quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tôn giáo theo đúng Hiến chương. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách và các chương trình mục tiêu, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả thực hiện đều đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, tổ chức chu đáo các hoạt động thăm, tặng quà cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhân dịp lễ, Tết. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm; đã tổ chức cho 148 em bị các bệnh về mắt, tim bẩm sinh, sứt môi-hở hàm ếch, di tật… đi phẫu thuật, chỉnh hình; có 10.645 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp dưới nhiều hình thức.

 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17%. Hoạt động thông tin tuyên truyền đã được các báo, đài tập trung tuyên truyền sâu rộng kết quả phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kết quả công tác bảo đảm quyền con người ở địa phương. Toàn tỉnh có 1.294 trạm thu phát sóng (BTS), 7 trạm điều khiển thông tin di động (BSC); 1,346 triệu thuê bao điện thoại, đạt 98,16 thuê bao/100 dân; 50,6 ngàn thuê bao internet, đạt 3,75 thuê bao/100 dân, tỷ lệ dân sử dụng internet đạt 30%. Có 213 xã có báo đến trong ngày, đạt 96%.

- P.V: Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nhân quyền Thế giới (10-12) và Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ban Chỉ đạo đã triển khai những công tác gì để hưởng ứng và tuyên truyền sâu rộng sự kiện này cho toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân biết, ủng hộ?

Ông Măng Đung: Thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo các thành viên tiếp tục quán triệt và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề quyền con người; về Hiến pháp năm 1992 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, đặc biệt triển khai tuyên truyền các nội dung chào mừng Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Tăng cường viết bài, đưa tin và thời lượng phát sóng các chuyên mục. Treo băng rôn tuyên truyền chào mừng ở các nơi công cộng.

- P.V: Tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống, xin ông cho biết các chủ trương, giải pháp đảm bảo quyền con người cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn trong năm 2014 và những năm tiếp theo?

Ông Măng Đung: Tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để họ được thực hiện tốt hơn các quyền về chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…

Tăng cường đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện, phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, gắn với phát triển nội lực, thế mạnh của từng dân tộc thiểu số, đề cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách đối với người dân tộc thiểu số như: chính sách giải quyết đất đai; chính sách giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách phát triển giáo dục dân tộc (hệ phổ thông, cao đẳng, đại học); chính sách dạy nghề; chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển sản xuất; chính sách đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số; chính sách thông tin, truyền thông vùng dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nhân tài, nghệ nhân người dân tộc thiểu số; chính sách phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở, kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị-xã hội, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số thực hiện quyền dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhà nước hỗ trợ người dân tộc thiểu số nâng cao năng lực, trình độ để tham gia hiệu quả vào bộ máy chính quyền các cấp...

P.V (thực hiện)

* Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm