(GLO)- Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cùng các thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Năm 2016, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và kéo giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2015. Cụ thể, TNGT đã giảm 5,31% số vụ (214/226 vụ), giảm 13,01% số người chết (234/269) và giảm 18,72% số người bị thương (152/187). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và kết quả kéo giảm TNGT vẫn chưa bền vững.
Một vụ tai nạn giao thông tại huyện Ia Grai. |
Qua phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy, TNGT có nhiều thời điểm tăng cao đột biến, đặc biệt là trong các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần (chiếm 26,17% số vụ); TNGT liên quan đến đối tượng thanh niên (từ 18 tuổi đến 30 tuổi) chiếm 41,59%; TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm 47,2% số vụ (tăng 20,24% so với năm 2015); TNGT trên các tuyến quốc lộ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 56,07% số vụ nhưng chưa được kiềm chế. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là việc lấn chiếm hành lang các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để họp chợ diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý kiên quyết, làm ảnh hưởng đến TTATGT. Hiện tượng xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu hành, xe tự ý thay đổi kích thước, chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp; xe công nông chở người lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tuy có giảm nhưng chưa xử lý triệt để…
* Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có tác động mạnh mẽ để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông khi mà trong năm qua có đến 90.000 trường hợp bị phát hiện vi phạm các quy định về TTATGT. Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT vẫn là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; không chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định; vi phạm tốc độ. Tình trạng người điều khiển phương tiện chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; học sinh không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở 3-4 người, lạng lách, đánh võng còn diễn ra. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quan tâm, chưa đánh giá kịp thời, đúng nguyên nhân dẫn đến TNGT ở địa phương để đưa ra giải pháp đúng trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với sự phát triển của phương tiện cơ giới. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện xuống cấp nhưng kinh phí cho công tác duy tu bảo dưỡng còn hạn chế, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời...
Bám sát thực tế để đề ra giải pháp tối ưu
Cảnh sát Giao thông trên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Văn Ngọc |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo duy trì thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đồng thời đề ra một số giải pháp phù hợp tình hình mới. Theo đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tập trung triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2017 theo chủ đề của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh-thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT để phòng ngừa tai nạn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; thanh tra, kiểm tra hoạt động người thực thi công vụ; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc; đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời và xem xét xử lý kỷ luật nghiêm các cá nhân vi phạm và thủ trưởng cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”, trong đó tập trung vào độ tuổi thanh-thiếu niên theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2017.
Ngoài ra, để nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm thiểu TNGT, tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư nâng cấp các đoạn chưa thi công trên quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh Gia Lai. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải quan tâm cho đầu tư dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” nhằm tạo động lực giúp Gia Lai và các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đồng thời từng bước giảm thiểu TNGT trên quốc lộ 19, giúp Gia Lai kiềm chế, kéo giảm TNGT một cách bền vững. Hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người lái máy kéo nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Lê Anh
* Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Không để hành khách không kịp về đón Tết do thiếu phương tiện Đảm bảo tuyệt đối trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết H.V |