Kinh tế

Huyện Chư Prông: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho người dân đưa vào sản xuất đã được huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Các mô hình cây trồng, vật nuôi mới đang từng bước phát huy hiệu quả giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

 Chăm sóc rau xanh trong nhà lưới. Ảnh: N.D
Chăm sóc rau xanh trong nhà lưới. Ảnh: N.D

Năm 2015, gia đình ông Đỗ Thành Quang (tổ 6, thị trấn Chư Prông) được Phòng Kinh tế-Hạ tầng và Trạm Khuyến nông huyện Chư Prông chọn để xây dựng mô hình trồng rau trong nhà lưới với kinh phí 215 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học. Gia đình ông đã đầu tư thêm 95 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới… trên diện tích 750 m2. Sau vài tháng triển khai mô hình, ông Quang nhận thấy, năng suất và chất lượng các loại rau cải, xà lách, ngò… đều cao hơn, lại tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tưới so với khi trồng ngoài nhà lưới. Qua thu hoạch 4 lứa rau cải, 3 lứa rau xà lách, 1 lứa dưa leo, 3 lứa rau ngò…, gia đình ông thu về trên 39 triệu đồng. Đặc biệt dịp Tết này, gia đình còn trồng thêm 108 m2 hoa cúc trong nhà lưới để cung cấp cho người dân chơi Tết. Hoa này đang phát triển tốt, không bị sâu bệnh…

Ông Quang phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trồng rau xanh từ 20 năm nay, mùa nào thức ấy cung cấp cho người dân thị trấn và chợ Ia Drăng. Mặc dù là cây trồng phụ nhưng cây rau lại cho nguồn thu nhập khá ổn định, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Ngoài trang trải sinh hoạt gia đình, số tiền này gia đình tôi còn đầu tư thêm cho vườn tiêu và cà phê”. Cũng theo ông Quang, việc trồng rau trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, rau ít sâu bệnh. Nếu “lấy ngắn nuôi dài” và trồng theo hướng chuyên canh, có đầu ra ổn định thì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Cùng với mô hình trồng rau trong nhà lưới, Phòng Kinh tế-Hạ tầng và Trạm Khuyến nông huyện Chư Prông còn triển khai mô hình nuôi nai lấy nhung tại 4 hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Chư Prông. Sau một năm thực hiện, các cặp nai giống đang sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng đạt 70 kg/con… hứa hẹn trở thành mô hình chăn nuôi mới trong thời gian tới.

Ông Trần Đắc Lực-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông cho biết: Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho người dân ứng dụng vào sản xuất là một trong những ưu tiên của huyện trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Việc xây dựng và ứng dụng thành công 2 mô hình cây trồng, vật nuôi nói trên là một tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, hiện công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vẫn còn gặp không ít khó khăn như: nguồn vốn còn hạn chế, việc thuyết phục người dân tham gia các mô hình rất khó, do các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su đã thu hút người dân sản xuất từ nhiều năm nay. Vì vậy muốn người dân tham gia cần phải có kinh phí cao hơn để hỗ trợ cho họ.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm