(GLO)- Huyện Chư Pưh được tách ra từ huyện Chư Sê theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1-1-2010. Toàn huyện có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 8 xã và 1 thị trấn.
Chư Pưh vẫn còn 32/82 thôn, làng đặc biệt khó khăn, 2.648 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (theo tiêu chí mới); 4 tôn giáo đang hoạt động với 27.383 tín đồ, chiếm 42% dân số; 551 đối tượng thuộc diện quản lý giáo dục tại địa phương và 69 đối tượng có tiền án, tiền sự về an ninh. Hơn nữa, năm 2001 và 2004, các xã Nhơn Hòa, Ia Phang, Ia Hrú (nay thuộc Chư Pưh) là một trong những xã vô cùng phức tạp bởi một số đối tượng phản động đã lợi dụng kích động, lôi kéo một số người dân nhẹ dạ cả tin đi theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, tổ chức phản động FULRO, lôi kéo phụ nữ và trẻ em vượt biên sang Campuchia. Trong khi đó nhiều cán bộ nắm địa bàn cơ sở không chắc, không gần dân, không hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân dẫn đến tình hình an ninh diễn biến phức tạp.
Thị trấn Nhơn hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: Đức Thụy |
Sau khi chia tách huyện và trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê trước đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pưh tiếp tục đánh giá đúng thực trạng, tình hình tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ ở từng xã, thị trấn để có biện pháp phân công các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phụ trách các thôn làng trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, ổn định hệ thống chính trị. Đồng thời, huyện còn tiến hành luân chuyển cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý trực thuộc các phòng, ban tăng cường một số xã nhằm củng cố, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo ở cơ sở.
Nhờ đó, qua gần 3 năm kể từ ngày chia tách huyện cũng như 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Nghị quyết 10 (khóa XII) của Tỉnh ủy Gia Lai, đến nay 100 xã, thị trấn của huyện Chư Pưh đều có quy chế phối hợp hoạt động với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội. Nhiều cấp ủy đã xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Chú trọng việc phân công công tác cho đảng viên, chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt Đảng.
“Đặc biệt, huyện luôn quan tâm đến công tác củng cố hệ thống chính trị, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) đó là tiền đề góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Nếu năm 2010 Chư Pưh chỉ có 2/9 TCCSĐ xã, thị trấn đạt trong sạch vững mạnh (TSVM) thì năm 2011 có 4 TCCSĐ xã, thị trấn đạt TSVM và không có TCCS yếu kém; thành lập mới 21 chi bộ thôn, làng, chi bộ quân sự, trường học; xóa 16 thôn, làng “trắng” đảng viên và hiện nay không còn làng “trắng” đảng viên; kết nạp được 219 đảng viên mới, trong đó độ tuổi thanh niên chiếm 22,6%…”- ông Lưu Trung Nghĩa-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Nhờ nắm chắc tình hình địa bàn nên cấp ủy, chính quyền huyện Chư Pưh đã lãnh đạo nhân dân giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những bức xúc của nhân dân, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở thôn, làng. Từ khi thành lập huyện đến nay, 9 xã, thị trấn đã đảm bảo về hệ thống trụ sở, phương tiện làm việc, 1 xã (Ia Rong) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 7 xã xếp loại A, 2 xã xếp loại B; 55 thôn, làng xếp loại A, 25 thôn, làng xếp loại B; năm 2011 có 8/9 Ủy ban MTTQ đạt tốt, 6/9 Hội Nông dân đạt vững mạnh, 7/9 Hội Cựu chiến binh đạt tốt…
Bên cạnh những mặt đã đạt được, qua 10 năm củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, huyện Chư Pưh vẫn còn một số khó khăn, phức tạp. Trên địa bàn huyện còn 8 làng phức tạp về an ninh-chính trị, có 14 làng đặc biệt khó khăn. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thôn, làng đa phần chưa được đào tạo, trình độ còn hạn chế; đời sống của một số đảng viên người dân tộc thiểu số ở một số chi bộ thôn, làng còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế về nhiều mặt; vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy còn hạn chế, lúng túng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, một số ít cán bộ cơ sở thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý và chưa gần dân… Đây là những vấn đề trăn trở mà Đảng bộ huyện Chư Pưh quyết tâm vượt qua trong thời gian tới.
Lê Văn Nhung