Kinh tế

Huyện Chư Sê: Thu ngân sách gặp khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Chư Sê là huyện có nguồn thu ngân sách ổn định và luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Tuy nhiên, bước vào năm 2014, công tác thu ngân sách của huyện Chư Sê gặp khó khăn và dự báo khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Năm 2014, theo kế hoạch tỉnh giao, huyện Chư Sê thu ngân sách 85,6 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến đầu tháng 10-2014, toàn huyện chỉ thu được 48,2 tỷ đồng, đạt khoảng 56% kế hoạch.

Trung tâm huyện Chư Sê.

Hiện nay, các loại thuế thu đạt và vượt kế hoạch đề ra là thuế môn bài đạt 101% kế hoạch; thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 116% kế hoạch; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 108% kế hoạch; thuế tài nguyên đạt 172% kế hoạch; phí, lệ phí đạt 103% kế hoạch; thuế nhà đất đạt 144% kế hoạch. Riêng 2 khoản thu thuế giá trị gia tăng và thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp, trong khi đây là khoản thu chính trên địa bàn huyện nhiều năm qua.

Về nguồn thu thuế giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, kế hoạch tỉnh giao là 35,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 42% nguồn thu trong năm 2014). Cuối năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 209 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng về người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế và nơi nộp thuế đã miễn thu thuế giá trị gia tăng nên không tận thu được nguồn thuế này. Mặc dù tận thu, truy thu các khoản nợ thuế giá trị gia tăng trước khi Nghị định 209 có hiệu lực nhưng cũng chỉ mới được 15,4 tỷ đồng, 20 tỷ đồng còn lại thu không được.

Ông Lê Đình Huấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Nguồn thu chủ yếu trên địa bàn huyện trong những năm qua là từ thu thuế giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản như: hồ tiêu, cà phê, mì, bắp… Nhưng năm nay khoản thu này chắc chắn không thể hoàn thành kế hoạch tỉnh giao. Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 28-12-2013 của Chính phủ quy định không kê khai nộp thuế, tính thuế từ các mặt hàng nông sản đã gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của huyện. Nghị định 209 có hiệu lực sau khi tỉnh phân bổ kế hoạch thu ngân sách năm 2014 cho các địa phương nhưng tỉnh không có sự điều chỉnh khoản thu này theo tinh thần của Nghị định trên.

 

 

Đối với khoản thu tiền sử dụng đất, kế hoạch tỉnh giao là 22 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thu được 12 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là việc đấu giá đất hiện nay trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Ông Huấn cho biết thêm, dù khoản thu này rất khó thực hiện nhưng lãnh đạo huyện sẽ quyết tâm chỉ đạo ngành chức năng phấn đấu thực hiện để cuối năm hoàn thành kế hoạch giao.

Để đẩy mạnh công tác thu ngân sách trên địa bàn, huyện đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, đôn đốc đồng thời giải quyết nhanh các vấn đề liên quan mà các đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân đến liên hệ và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Trong những trường hợp cần thiết thì huyện tiến hành cưỡng chế để thu hồi nợ. Lãnh đạo huyện cập nhật thường xuyên tình hình thu ngân sách trên địa bàn huyện để có biện pháp chỉ đạo nhanh và kịp thời. Tiếp tục tập trung khai thác tất cả nguồn thu trên địa bàn huyện để bù đắp những khoản hụt thu. Trong đó, tập trung thực hiện đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thu nợ thuế các doanh nghiệp ngoài quốc danh, hộ kinh doanh có số nợ thuế lớn. Phòng Tài nguyên và Môi trường giải quyết nhanh các hồ sơ đất cấp mới, chuyển nhượng, chuyển đổi… góp phần tăng thu các khoản thuế như: thuế thu nhập cá nhân, chuyển nhượng đất, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm