Trong số 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, huyện Kbang (Gia Lai) có 13 xã nằm trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chiếm 100% số xã, các địa phương còn lại chỉ 2 đơn vị. Liệu Kbang có hoàn thành mục tiêu đề ra?
Hiện trạng nghèo khó
Cho đến nay Kbang là một trong 2 huyện tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, đến cuối năm 2010 hộ nghèo đói còn đến 51,86%. Đường sá từ trung tâm huyện về đến nhiều xã còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Một số xã chưa có đường nhựa đến trung tâm như xã Krong, Đak Hlơ, Kông Pla. Toàn huyện có hơn 49% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu.
Khai thác quặng sắt liệu có đóng góp gì cho chương trình xây dựng nông thôn mới? Ảnh: Huỳnh Kiên |
Theo ông Đoàn Thanh Hùng- Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới của Kbang, mặc dù quyết định của tỉnh xây dựng 13/13 xã đạt nông thôn mới vào năm 2015 song lãnh đạo huyện đã họp đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 10/13 xã; 3 xã Đak Kong, Krong, Kon Pne chuyển sang giai đoạn II phấn đấu đến năm 2020. Tuy nhiên có nhiều tiêu chí khó đạt như thu nhập bình quân đầu người gấp 1,3 lần so với thu nhập chung của tỉnh; hộ nghèo dưới 7%; giảm số lao động nghề nông- lâm nghiệp dưới 40%; nhà ở 14 m2/người… đều khó thực hiện.
Ngổn ngang trăm mối
Để đạt chuẩn nông thôn mới, trong lúc tỷ lệ hộ đói nghèo từ gần 52% năm 2010 giảm xuống dưới 7% năm 2015, bình quân mỗi năm Kbang phải giảm tỷ lệ hộ nghèo 8%. Đây cũng là tiêu chí hết sức khó. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong 5 năm qua căn cứ vào tiêu chí cũ thì có giảm song theo tiêu chí mới thì không thay đổi. Một huyện nghèo khó nhất nhì tỉnh như Kbang, kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp mà phấn đấu giảm hộ nghèo 8%/năm là cực kỳ khó khăn.
Trao đổi với ông Đoàn Thanh Hùng, chúng tôi được biết: Đến nay, Kbang vẫn là địa phương có hoạt động giao thương chậm phát triển. Toàn huyện đã xây dựng 3 chợ xã thì có 2 chợ xây xong bỏ đó là chợ xã Sơn Lang, xã Đông, chỉ có chợ xã Nghĩa An hoạt động. Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là mỗi xã có một chợ, tuy nhiên kinh tế chưa phát triển, hàng hóa không có, việc xây dựng chợ ở các xã lại lãng phí.
Xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đòi hỏi sự chuyển biến về chất: Đấy là sự đổi thay đáng kể cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở nông thôn. Một huyện vùng sâu, vùng xa như Kbang hầu hết các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, muốn vươn lên thay đổi cuộc sống của người dân thiết nghĩ ngoài đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách nhà nước cần phải có thời gian để những đầu tư vật chất ấy thấm vào nhận thức của người dân.
Huỳnh Kiên