Kinh tế

Huyện Phú Thiện và hướng đích 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2012 là năm huyện Phú Thiện (Gia Lai) kỷ niệm 5 năm thành lập huyện. Đây là mốc đánh giá sự phát triển một cách rõ rệt về sự thay đổi từng nơi, từng vùng, từng lĩnh vực của huyện từ khi chia tách đến nay. Từ đó lãnh đạo huyện đề ra hướng đích đến năm 2020 với rất nhiều sự đổi thay, phát triển toàn diện.

Những kết quả bước đầu

Nói về những khởi sắc của huyện trong 5 năm từ khi chia tách, lãnh đạo huyện đều vui vẻ, phấn khởi với những kết quả đã đạt được, tuy vẫn còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, trong năm 2011, dù gặp không ít những khó khăn trong xu thế chung, nhưng huyện Phú Thiện vẫn đạt được những kết quả khả quan và có thể nói chính là năm bản lề để Phú Thiện vững bước đi lên trong những năm tiếp theo.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ông Nguyễn Văn Phụng- Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Năm 2011 tốc độ phát triển của huyện được giữ vững ở mức 13%; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao; sản xuất nông nghiệp đạt chỉ tiêu cả về diện tích lẫn năng suất và sản lượng. Để đồng bộ và tạo tiền đề cho sự phát triển của hiện tại và những năm tiếp theo, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để các dự án được triển khai đầu tư xây dựng; đẩy mạnh các dịch vụ thương mại, mời gọi các nhà đầu tư vào các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các loại dịch vụ để tăng sức mua, sức bán.

Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng và quy hoạch mở rộng thị trấn Phú Thiện nhằm xây dựng thị trấn trở thành Trung tâm kinh tế-văn hóa của huyện theo đúng nghĩa; tập trung quy hoạch và xây dựng các trung tâm xã theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Mặt khác, huyện Phú Thiện ngày càng khẳng định được vị trí là địa bàn sản xuất lúa nước qui mô lớn nhất của tỉnh và khu vực Tây Nguyên với diện tích hơn 6.000 ha lúa nước hai vụ; là vùng nguyên liệu mía đường lớn của tỉnh với hơn 3.000 ha; vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng như điều, bắp, mì, đậu, thuốc lá… Đây chính là tiền đề vững chắc để Đảng bộ huyện Phú Thiện đề ra nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tiếp theo, đặc biệt là chặng đường đến năm 2020.

Và hướng đích 2020

Huyện Phú Thiện chú trọng đầu tư xây dựng các công trình XDCB. Ảnh: Đức Thụy
Huyện Phú Thiện chú trọng đầu tư xây dựng các công trình XDCB. Ảnh: Đức Thụy

Xác định là huyện nằm trong trung tâm kinh tế của cụm Đông Nam tỉnh Gia Lai nên có nhiều thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển dịch vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm; có tiềm năng về du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng của khu vực lòng hồ Ayun Hạ; có nguồn nước mặt dồi dào thuận lợi cho phát triển cây lúa nước. Bên cạnh, Phú Thiện có nguồn tài nguyên khoáng sản như đất sét, cát, sỏi, đá phân bố ven sông suối và vùng rìa thấp rất thuận lợi cho khai thác làm vật liệu xây dựng.

Những năm tới, trong tiến trình hội nhập kinh tế, cơ hội phát triển lớn nhưng không ít thách thức. Do đó, để phát triển một cách bền vững, ổn định, lãnh đạo huyện đã xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế- xã hội từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu định hướng chung, đó là: Nâng mức sống của nhân dân và mức độ phát triển kinh tế- xã hội của huyện lên ngang hoặc xấp xỉ bằng mức sống và mức độ phát triển trung bình của cả tỉnh; xây dựng huyện Phú Thiện thành Trung tâm Kinh tế khu vực Đông Nam tỉnh; là trung tâm sản xuất lúa gạo và công nghiệp chế biến gạo chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường; là trung tâm dịch vụ sản xuất phân phối hàng hóa theo tuyến quốc lộ 25 Phú Yên- Gia Lai- Kon Tum.


Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 1.600 đến 1.700 tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất; thu ngân sách hàng năm tăng 23%, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại 9 xã.

Ngoài những chỉ tiêu phấn đấu trên, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Phụng cho biết thêm, huyện sẽ qui hoạch phát triển nông- lâm nghiệp theo hướng CNH-HĐH, gắn sản xuất với chế biến nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay giá trị sản lượng lúa của huyện chiếm 55-65% cơ cấu giá trị sản lượng của ngành trồng trọt, do vậy lúa là cây trồng mũi nhọn của huyện. Từ đó thường xuyên ổn định diện tích lúa 2 vụ với diện tích 6.000 ha nhưng được chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng năng suất lúa vụ Đông Xuân lên 68-70 tạ/ha. Xây dựng và phát triển thương hiệu “Lúa gạo Phú Thiện” nhằm tăng giá trị hạt gạo Phú Thiện trên thị trường.

Với những định hướng trên, tin tưởng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Phú Thiện sẽ có những bước chuyển mình rõ rệt trong tương lai, xứng đáng là trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam tỉnh.

Minh Dưỡng

 

Có thể bạn quan tâm