Kinh tế

Ia Blang: Hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ia Blang, huyện Chư Sê đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, được xem là một trong những điểm sáng của huyện. Tính đến nay, xã Ia Blang đã hoàn thành 17/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Xã Ia Blang được thành lập từ năm 1979, nằm cách trung tâm huyện Chư Sê khoảng 4 km về phía Nam với 10 thôn người Kinh và 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ia Blang là một trong 2 xã được huyện Chư Sê chọn làm xã điểm của huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
 

Đường bê tông được ông Liễng (trái) hiến 400 m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng để làm. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì Ia Blang là một trong những xã đã có nhiều cách làm hay, thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân trong phong trào toàn dân xây dựng NTM.

Theo đó, với phong trào “Ia Blang chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình của địa phương trong 5 năm qua đạt gần 402 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh gần 30,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 189 triệu đồng, ngân sách xã 648 triệu đồng, doanh nghiệp đóng góp 110 triệu đồng, vốn vay tín dụng gần 176 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 194,6 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp trực tiếp gần 4,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gián tiếp 190 tỷ đồng, để xây dựng nhà cửa, chỉnh trang hàng rào cổng ngõ và đầu tư phát triển sản xuất).

Cụ thể, trong 5 năm qua, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đã đầu tư xây mới 1,2 km nhựa hóa đường liên xã, đạt 100% đường liên xã, trục xã được nhựa hóa; bê tông hóa 11,8 km đường giao thông nông thôn và bê tông hóa gần 4 km đường trục thôn, làng, đưa tỷ lệ đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa lên gần 77%; 100% đường ngõ, xóm ở thôn, làng không lầy lội vào mùa mưa; 55,47% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện; duy tu, sửa chữa, nâng cấp hàng chục km đường trục xã qua nhiều năm sử dụng bị hư hỏng… Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, trường, trạm, chợ…; hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư hoàn thiện và khá kiên cố góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương.

 

Trường THCS Cù Chính Lan đã đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Quang Tấn

Qua phong trào, đã có nhiều cá nhân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp hàng chục đến hàng triệu đồng cũng như sức lao động để làm đường giao thông, chỉnh trang, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Ia Blang ngày một xanh, sạch, đẹp. Cụ thể như hộ gia đình ông Nguyễn Liễng (thôn 3), hộ ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn 5)…

Ông Nguyễn Liễng (thôn 3) vui vẻ cho biết: “Đời sống sinh hoạt của gia đình tôi gắn liền với con đường này nên tôi cảm nhận được sự nhọc nhằn khi đi lại, vận chuyển nông sản nhất là vào mùa mưa, vì vậy tôi đã tự nguyện hiến hơn 400 m2 đất để mở rộng đường cũng như đóng góp 50 triệu đồng để cùng chính quyền xã bê tông hóa toàn bộ tuyến đường. Mặc dù, số tiền góp tương đối lớn nhưng bây giờ được đi trên con đường đã được bê tông hóa khá bằng phẳng, không còn lầy lội như trước đây là tôi phấn khởi rồi”.

Tương tự, với mong muốn làm thay đổi bộ mặt nông thôn Ia Blang ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn 5) đã không ngại bỏ ra hơn 150 triệu đồng để xây dựng cổng, chỉnh trang, quy hoạch, trồng cây xanh nghĩa trang xã. Ông Dũng cho biết: “Tôi gắn bó với Ia Blang ngay từ những ngày đầu tiên và xem đây là quê hương thứ 2 của mình, do đó tôi luôn mong muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã”.

 

Ông Liễng còn là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Ảnh: Quang Tấn

Bên cạnh đó, nhờ phát huy có hiệu quả tiềm năng, nội lực của địa phương; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ; áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Cùng với đó, việc triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, tính đến cuối năm 2014 tỷ lệ này chỉ còn 7,74%; thu nhâp bình quân đầu người tăng mạnh qua các năm, đến cuối năm 2014  đạt 22 triệu đồng/người/năm; nhà cửa được xây dựng khang trang, không có nhà dột nát; tỷ lệ lao động thường xuyên đạt trên 92% số người trong độ tuổi lao động…

Từ một hộ nghèo, anh Siu Mnon (Koái) đã vươn lên thoát nghèo nhờ chịu khó làm ăn và được sự hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi cũng như hướng dẫn áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Mnon phấn khởi nói: “Trước đây nhà mình nghèo lắm nhưng nhờ được Nhà nước hỗ trợ cho 1 con bò sinh sản, hỗ trợ giống lúa, bắp, hướng dẫn kỹ thuật… để phát triển sản xuất nên cuộc sống của gia định mình bây giờ đỡ khổ hơn, con cái mình được ăn no, được đi học nữa”.  

Trao đổi với P.V, ông Hà Đình Thủy-Chủ tịch UBND xã Ia Blang, cho biết: Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự chung tay, góp sức của nhân dân trên địa bàn, đến nay, xã đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới, còn 2 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí hộ nghèo và trường học xã đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành vào cuối năm. Riêng đối với tiêu chí hộ nghèo thì qua rà soát sơ bộ đến thời điểm này thì khả năng hoàn thành là trong tầm tay của xã, còn đối với tiêu chí trường học, hiện xã đang cố gắng phối hợp với các ngành chức năng tiến hành xây dựng và đảm bảo hoàn thành trong năm 2015, tiến tới mục tiêu đạt xã nông thôn mới vào cuối năm nay.

Quang Tấn-Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm