TN - Đất & Người

Ia Dom- xã điểm về xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một xã vùng biên, với xuất phát điểm thấp, Ia Dom cũng như nhiều xã khác của huyện Đức Cơ (Gia Lai) còn gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, cùng với sự giúp đỡ của huyện và các cơ quan đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn, xã đã phát huy nội lực phấn đấu vươn lên trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Cơ.

Trên lĩnh vực kinh tế, Ia Dom vẫn là một xã nặng về nông- lâm nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng mùa vụ vừa qua là 1.618 ha, trong đó lúa rẫy 71,6 ha, mì 736 ha, tiêu 79,5 ha, cao su 349 ha, cà phê 323 ha. Tổng gia súc trên toàn địa bàn có 893 con, trong đó bò chiếm số lượng nhiều nhất: 609 con. Nhân dân trong xã đang cố gắng đẩy mạnh thâm canh, thay đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.

Đường đến xã biên giới Ia Dom

Xã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chương trình làm đường giao thông nông thôn. Năm 2011, xã đã làm được 1,6 km đường nhựa với số vốn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng (nguồn vốn Nhà nước 70%, dân đóng góp 30%), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trung tâm Khuyến công của tỉnh cũng đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng cho xã cơ sở hạ tầng làng nghề truyền thống.

Hệ thống giáo dục của xã đã có trường lớp từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Số học sinh của các khối năm nào cũng tăng, trong đó số lượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khá giỏi năm sau nhiều hơn năm trước. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được quan tâm. Việc tiến hành giao quân, tổ chức huấn luyện dân quân luôn đạt chỉ tiêu và kết quả cao.

Điều đáng mừng nữa là xã Ia Dom đã xây dựng thành công mô hình Hợp tác xã nông-lâm-công nghiệp, thương mại và dịch vụ với 18 xã viên, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Hợp tác xã đã có chi bộ với 4 đảng viên. Hai năm đầu mới thành lập, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Song anh chị em trong Hợp tác xã không nản chí, bám sát tình hình cơ sở tìm nhiều hình thức hoạt động phù hợp hơn. Họ tự bỏ vốn xây chợ, vừa tạo nơi buôn bán giao dịch ổn định cho bà con, vừa góp phần xây dựng đời sống văn hóa của xã. Các loại hình khác như sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình dân dụng bước đầu đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trên địa bàn.


Hợp tác xã cũng đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều lớp học nghề như: Gỗ mỹ nghệ, điều khiển nông cụ, dệt thổ cẩm truyền thống tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng biết thêm nghề hoặc tăng thêm trình độ nghề. Đặc biệt, Hợp tác xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mở lớp dệt thổ cẩm cho 100 chị em, đây là hoạt động mang tính chất xã hội nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn nghề truyền thống. Hợp tác xã đang dần khẳng định vai trò, vị trí của mình, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của xã.    

Vừa qua, xã Ia Dom được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Đây vừa là niềm vinh dự lớn, song cũng là trách nhiệm của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã. Tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Ia Dom sẽ xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trên dải đất vùng biên.

Trọng Thu

Có thể bạn quan tâm