(GLO)- Khí hậu huyện Ia Grai được chia ra làm 2 vùng khá rõ rệt. Các xã phía Đông có độ cao trên 600 mét so với mực nước biển, phù hợp với cây cà phê. Vùng phía Tây thấp hơn, nhiệt độ nóng hơn, phù hợp với cây cao su và điều. Đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây công nghiệp đã góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện biên giới này.
Ảnh: Huy Tịnh |
Cà phê được coi là cây công nghiệp thế mạnh của huyện. Ia Grai có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với 16.615 ha, năng suất trung bình 28 tạ/ha. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: “Ia Grai có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp với loại cây công nghiệp này, nhất là các xã phía Đông như: Ia Sao, Ia Yok, Ia Hrung, Ia Dêr và thị trấn Ia Kha. Cây cà phê thích hợp độ cao từ 600 mét (so với mặt nước biển), cho chất lượng nhân cà phê tốt”. Hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn huyện hiện đang ở thời kỳ kinh doanh đỉnh cao và cho năng suất cao nhất. Trình độ thâm canh của bà con cũng được nâng lên đáng kể. Mạng lưới thủy lợi phát triển khá đáp ứng nhu cầu tưới cây cà phê. Đời sống kinh tế của hầu hết các hộ dân tại vùng này được nâng lên rõ rệt.
Trong khi đó các xã phía Tây huyện như: Ia Tô, Ia Khai, Ia O, Ia Chía, Ia Pếch… nóng hơn, phù hợp với cây cao su và điều. Tuy diện tích ít nhưng sự đóng góp của hai loại cây này vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện cũng như sự ổn định đời sống của người dân là không thể phủ nhận. Cây cao su trên địa bàn chủ yếu là cao su quốc doanh với 10.530 ha. Diện tích cao su tiểu điền chỉ chiếm trên 4.300 ha. Tuy tổng diện tích cao su tiểu điền không cao, song số hộ sở hữu diện tích cao su rộng khá nhiều, nhiều hộ trồng hàng chục ha cao su.
Bên cạnh cây cao su, cây điều được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo, trồng nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi dễ trồng, ít đầu tư. Loại cây trồng này bắt đầu phát triển khoảng 15 năm trở lại đây. Tổng diện tích điều hiện có trên địa bàn Ia Grai vào khoảng 5.200 ha, năng suất khoảng 9 tạ/ha. Nơi trồng điều nhiều nhất là xã Ia Tô với gần 1.300 ha, xã Ia O có 957 ha, xã Ia Chía 714 ha, xã Ia Khai 690 ha…
Khai thác hợp lý tài nguyên đất đai, huyện Ia Grai định hình ngày một rõ nét quy hoạch các loại cây công nghiệp, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, định hướng quy hoạch các loại cây công nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới là giữ vững diện tích và hạn chế phát triển thêm. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đào Lân Hưng cho hay: “Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật để cải tạo vườn cà phê già cỗi, đồng thời tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê nhân. Huyện phấn đấu tổng diện tích cà phê trên địa bàn khoảng 17.000 ha. Đối với cây cao su, tập trung giữ vững chất lượng theo hướng giảm chi phí đầu tư để chờ giá lên, tăng mối liên kết giữa người dân trồng cao su tiểu điền với các công ty trong việc hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư cũng như hỗ trợ tiêu thụ. Cây điều cũng sẽ không tăng diện tích mà tập trung thâm canh, cải tạo giống. Ở các vùng gần nước, huyện sẽ hướng dẫn người dân trồng xen điều với cà phê để tăng thu nhập”.
Trong quy hoạch đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Tây Nguyên được phân ra thành các tiểu vùng và dải hành lang phát triển kinh tế. Trong đó, Ia Grai là một trong những địa phương nằm trong dải hành lang phát triển kinh tế-đô thị, phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu. Với sự phát triển ổn định và bền vững của các vùng cây công nghiệp như hiện tại, Ia Grai sẽ là điểm sáng trong dải hành lang kinh tế-đô thị.
Hà Duy