TN - Đất & Người

Ia Ly xứng tầm là thị trấn phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 12 năm, ngày 4-3-2002, xã Ia Ly chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện cùng sự nỗ lực xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, từ một xã khó khăn của huyện, Ia Ly đã vươn lên trở thành một trong 15 xã, thị trấn có kinh tế phát triển toàn diện của huyện Chư Pah.
 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin trao ảnh thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku cho xã Ia Ly. Ảnh: Thanh Nhật

Toàn xã có 10 thôn làng, dân số 1.676 hộ với 6.334 nhân khẩu, dân tộc Jrai tại chỗ chiếm 40% dân số, tổng diện tích tự nhiên gần 4.846 ha. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra nghị quyết, triển khai thực hiện bước đột phá trong định hướng giúp nhân dân đầu tư sản xuất, gắn với từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cao su tiểu điền, cà phê, bời lời, hồ tiêu và một số loại cây ăn quả khác, nâng tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn là 1.981 ha (tăng 559 ha so với năm 2002).

Trong đó, cao su tiểu điền hơn 250 ha, cà phê hơn 750 ha, bời lời 340 ha, các loại cây trồng khác 277 ha. Riêng cây lương thực là 363 ha-trong đó lúa 335 ha với năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha. Bình quân lương thực đầu người 244 kg/năm-tăng 34 kg so với năm 2005. Chăn nuôi phát triển theo hướng lai hóa đàn bò và heo, tổng đàn gia súc trên địa bàn có 6.480 con.

 

Xã Ia Ly hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác. Ảnh: Thanh Nhật

Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và chế biến nông sản thực phẩm có bước phát triển đáng kể. Ngoài chợ mới được xây dựng khang trang, tại địa phương còn có hơn 110 hộ kinh doanh lớn, nhỏ, thu hút sự lưu thông hàng hóa và dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hàng năm đều đạt và vượt. Riêng tổng thu ngân sách năm 2013 đạt gần 4,7 tỷ đồng, tăng hơn 4,4 tỷ đồng so với năm 2003. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12% đến 13%. Qua đó góp phần đưa tổng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt gần 12,6 triệu đồng/người (tăng hơn 3,4 triệu đồng/người so với năm 2005) và đến cuối năm 2013 là 22 triệu đồng/người.

Để thị trấn có tốc độ phát triển kinh tế cao như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Ly Lê Văn Thành cho biết thời gian tới:  Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 14%  trở lên. Tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất kinh tế hàng năm.

Phấn đấu đến năm 2015, giá trị kinh tế các ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ chiếm 40% tổng thu nhập của địa phương, đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông và các công trình công cộng. Quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%, thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 25 triệu đồng/người. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và các chương trình của nhà nước dành cho vùng nông thôn.

Riêng trong 5 năm đến, thị trấn Ia Ly phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 14% trở lên/năm. Cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp chiếm 45%, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 25%, thương mại-dịch vụ chiếm 30%. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2019 đạt 25 triệu đồng/người/năm trở lên, hàng năm giảm hộ nghèo từ 2% đến 4%, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn khoảng 1,0%. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và các chương trình của Nhà nước dành cho vùng nông thôn. Duy trì 3 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, 80% trở lên số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 90% số thôn, làng, khu dân cư văn hóa luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách công vụ gắn với xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm