Kinh tế

Ia Pa: Người dân vi phạm hợp đồng giao khoán rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 5 năm thực hiện giao khoán rừng có hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12-11-2001 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Lâm nghiệp Ia Pa, Gia Lai đã thực hiện giao khoán rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sống gần rừng. Nhưng kết quả mang lại không như mong đợi…
Thực hiện Quyết định 178, năm 2004 Công ty Lâm nghiệp Ia Pa đã giao khoán 1.000 ha rừng thuộc tiểu khu 771 và 775 xã Chơ Long cho 26 hộ dân làng Tpé 2 và Alao. Thời gian giao khoán 50 năm (2004-2054), trong đó rừng trung bình (trạng thái IIIA3, IIIA2, RIII2) là 341,6 ha, rừng nghèo (IIIA1, RIIIA1) 554,9 ha và rừng phục hồi (IIB, RIIB) 103,5 ha. Theo hợp đồng với người dân, diện tích tận thu lâm sản bình quân 52 ha/năm, sản lượng gỗ tận thu bình quân 7 m3/năm và trả công bảo vệ, chăm sóc cho mỗi hộ dân 50.000 đồng/ha/năm.
Chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Đ.T
Chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Đ.T
Trong quá trình thực hiện từ năm 2004 đến năm 2008 tình hình diễn ra tương đối tốt khi các hộ dân thường xuyên theo dõi, tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Nhưng từ năm 2008, người dân địa phương bắt đầu lợi dụng các chính sách của Nhà nước như giải quyết đất ở, gỗ làm nhà nên đã lấn chiếm đất rừng làm rẫy và khai thác gỗ trái phép. Tình trạng này xảy ra trong thời gian khá dài. Sau khi phát hiện, Công ty Lâm nghiệp Ia Pa đã tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm, kết quả người dân lấn chiếm 1,3 ha và đang có xu hướng mở rộng, lâm sản khai thác trái phép 55,3 m3.
Ông Đinh Pil- người được nhận giao khoán rừng cho biết lý do lấn đất rừng làm rẫy là vì “rừng được giao khoán hầu hết không có nhiều lâm sản phụ để tận thu, trong khi tiền hỗ trợ thấp nên phải lấn rừng làm rẫy. Bên cạnh đó, do quan hệ họ hàng, làng xóm, ai thiếu gỗ làm nhà thì vào rừng (được giao khoán) khai thác gỗ, người được giao khoán do ngại va chạm nên không thể trình báo…”.
Trong khoản 3, Điều 7, Chương II của Quyết định 178 quy định: Người nhận khoán được khai thác lâm sản để giải quyết nhu cầu gia dụng (trừ những động, thực vật quý hiếm). Nếu có nhu cầu làm nhà mới để tách hộ hoặc thay thế nhà cũ, sửa chữa lớn nhà ở cho mình tại nơi có rừng, hộ gia đình, cá nhân phải làm đơn gửi UBND xã xác nhận, trình UBND huyện xét duyệt, cấp giấy phép khai thác không quá 10 m3 gỗ tròn cho 1 hộ. Phải khai thác theo hướng dẫn và giám sát của xã. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khai thác gỗ làm nhà để buôn bán...
Dù đã có quy định rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của người được giao khoán rừng, nhưng do ý thức hạn chế và việc phổ biến pháp luật và tập quán lâu năm nên đã xảy ra vi phạm. Ông Nguyễn Xuân Bình- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ia Pa cho biết: “Sau một thời gian giao khoán, ngoài những kết quả đạt được đã bắt đầu xuất hiện những sai phạm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi đã trình lên cấp trên xin hướng giải quyết là không tiếp tục giao khoán rừng có hưởng lợi cho 26 hộ dân nói trên…”.
Trong kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai, Công ty Lâm nghiệp Ia Pa cho rằng thời gian giao khoán rừng quá dài (đến 50 năm) sẽ xảy ra nhiều bất cập. Ngoài ra, chế tài xử lý đối với người nhận giao khoán vi phạm chưa rõ ràng, nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, đối tượng rừng giao khoán tại Công ty chủ yếu là rừng khộp, có độ tăng trưởng tự nhiên thấp, sản lượng hàng năm không đủ và đạt khi khai thác tận thu để chi trả cho các hộ dân nhận khoán. Tóm lại là không đạt được chỉ tiêu lấy rừng nuôi rừng, ổn định đời sống cho nhân dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nên không thể tiếp tục thực hiện việc giao khoán rừng...
Chủ trương giao khoán rừng có hưởng lợi là chủ trương lớn. Nhưng qua đây có thể thấy, ngoài sai phạm của người dân, một phần trách nhiệm là của cơ quan chức năng khi chưa làm tốt vai trò quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương của Nhà nước. Bất cập trong cơ chế chính sách giao khoán rừng cũng là một nguyên nhân.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm