Xã hội

Ia Pa: Tái nghèo vì tiêu chí đa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua rà soát chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ tái nghèo tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tăng rõ rệt. Điều này cho thấy các hộ nghèo ở đây không chỉ thiếu hụt về thu nhập mà còn hạn chế trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản khác.
Sau hơn 1 tháng triển khai điều tra, rà soát hộ nghèo, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Ia Trok có cơ sở đánh giá các tiêu chí theo phiếu chấm điểm xét hộ nghèo cho từng hộ theo biểu mẫu của 2 giai đoạn 2016-2021 và 2022-2025. Thông qua đó, địa phương nắm được hoàn cảnh và thực tế chất lượng mức sống của từng hộ dân. Đầu năm 2021, xã Ia Trok có 240 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,97%. Dự kiến trong năm, toàn xã có 72/240 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ, xã chỉ giảm được 24 hộ nhưng có đến 10 hộ nghèo mới phát sinh. Như vậy, dự kiến đến cuối năm 2021, toàn xã còn 226 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,33%. Riêng với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, qua rà soát, số hộ nghèo tăng lên 309 hộ, chiếm tỷ lệ 14,1%.
Lý giải vấn đề này, ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trok-cho biết: Năm 2021 là năm khó khăn với địa phương khi dịch bệnh bùng phát trên người và gia súc, nhiều lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sút. Chính vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo của xã không đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, các tiêu chí được nâng cao hơn, trong đó, riêng thu nhập nâng từ 1,2 triệu đồng/người/năm lên 1,5 triệu đồng. Điều này dẫn đến số hộ nghèo của xã năm 2022 dự kiến tăng lên 83 hộ.
Tuy mới thoát nghèo nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, gia đình chị Siu H'Noan (buôn Tông Sê, xã Ia Trok) tái nghèo. Ảnh: Nguyên Hương
Qua rà soát các tiêu chí theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, gia đình bà Siu H'Noan (buôn Tông Sê, xã Ia Trok) lại tái nghèo. Ảnh: Nguyên Hương
Gia đình bà Siu H’Noan (buôn Tông Sê, xã Ia Trok) thuộc diện hộ cận nghèo. Qua rà soát theo các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, gia đình bà lại tái nghèo do không có nhà vệ sinh, không có đất sản xuất, không có ti vi. Mặc dù có 2 con bò, 1 chiếc xe máy nhưng đều không được tính điểm (tiêu chí đa chiều mới đòi hỏi phải có 3 con bò, 2 chiếc xe máy mới có điểm). Bà H’Noan nói: “Gia đình tôi mới thoát nghèo được 3 năm nhưng vừa rồi cán bộ xã đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí mới thì năm 2022 gia đình tôi lại tái nghèo. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến 2 vợ chồng không thể đi làm thuê nên thu nhập bị giảm nhiều, muốn vươn lên thoát nghèo như trước rất khó”.
Mặc dù gia đình anh Nay Uôt (cùng buôn) có 3 con bò nhưng lại chưa có nhà vệ sinh, không có đất sản xuất; gia đình 5 người nhưng diện tích nhà ở không đủ bình quân 8 m2/người. Bên cạnh đó, vợ chồng đều dưới 30 tuổi nhưng chưa tốt nghiệp THCS. Chính vì vậy, theo tiêu chí đa chiều, gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo. “Mặc dù đã đăng ký thoát nghèo nhưng theo tiêu chí mới của Nhà nước, nhiều gia đình như tôi rất khó thoát nghèo vì không được học hành đầy đủ, thu nhập thấp nên để xây dựng được căn nhà mới đủ tiêu chuẩn cũng không dễ. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ để sớm thoát nghèo”-anh Uôt bộc bạch.
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, căn nhà của anh Nay Uôt (buôn Tông Sê, xã Ia Trok) quá nhỏ, 2 vợ chồng chưa tốt nghiệp THCS nên vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: Nguyên Hương
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, căn nhà của anh Nay Uôt (buôn Tông Sê, xã Ia Trok) quá nhỏ, 2 vợ chồng chưa tốt nghiệp THCS nên vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: Nguyên Hương
Chị Nay H’Thu-cán bộ Mặt trận buôn Tông Sê-cho hay: Nếu như trước đây, hộ gia đình có 1 con bò, 1 chiếc xe máy, 1 cái ti vi, 1 căn nhà để ở cũng được tính điểm thì theo chuẩn nghèo đa chiều mới, bắt buộc phải có 3 con bò, 2 chiếc xe máy, nhà ở diện tích 8 m2/người… mới được tính điểm. Vì vậy, năm 2022, chắc chắn không chỉ riêng buôn Tông Sê mà nhiều thôn, buôn khác cùng chung tình trạng số hộ nghèo tăng lên.
Ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã Kim Tân-cho biết: Theo đăng ký năm 2021, xã phải giảm 37/152 hộ nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn xã mới giảm được 21 hộ. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, nhiều hộ tách ra từ hộ nghèo nên tiếp tục nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, dự kiến năm 2022, số hộ nghèo của xã tăng lên 152 hộ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu về đích nông thôn mới của xã trong thời gian tới.
Theo ông Lữ Phúc Phụng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Pa, đầu năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 1.681 hộ, chiếm tỷ lệ 12,63%. Đến cuối tháng 10-2021, huyện giảm được 149 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,58%, chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Nguyên nhân là do năm 2021, huyện Ia Pa phải 2 lần thực hiện phong tỏa để phòng-chống dịch Covid-19 dẫn đến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, lượng lao động lớn tại các tỉnh, thành phía Nam đổ về quê do bị mất việc làm dẫn đến thu nhập giảm sút, nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo cũng bị tạm ngưng.
“Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tiêu chí nghèo không chỉ gắn với sự thiếu hụt thu nhập mà còn là thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin. Chính vì vậy, số hộ nghèo của huyện dự kiến năm 2022 sẽ tăng lên 2.407 hộ, chiếm tỷ lệ 17,34%. Trên cơ sở số liệu sơ bộ từ các địa phương, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện kế hoạch thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thông tin thêm.
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm