Ngày 20-11, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã nối lại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngày đàm phán bắt đầu bằng một loạt cuộc gặp kín song phương và các đại biểu của 6 cường quốc thế giới đã nhóm họp trước cuộc gặp song phương giữa Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad-Zarif.
Trong tối 20-11 đã diễn ra phiên họp toàn thể với các đại diện của 6 cường quốc và Iran, sau đó tiếp tục là một loạt cuộc gặp song phương.
Vòng đàm phán mới bắt đầu từ ngày 20-11 nói trên là cuộc đàm phán thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng qua giữa Iran và Nhóm P5+1.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cùng ngày cho rằng việc đạt được thỏa thuận về hạt nhân sơ bộ với Iran là "rất khó" dù khả năng đó vẫn có thể xảy ra.
Quan chức này nói thêm rằng đại đa số các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ vẫn được áp dụng sau bất cứ thỏa thuận sơ bộ nào về hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Trong khi đó, sau cuộc hội đàm tại Moskva với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh sự cần thiết đạt được giải pháp “thực sự” cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Ông nhấn mạnh giải pháp này liên quan đến việc Iran ngừng làm giàu urani và vận hành máy ly tâm, giống với cái cách mà Syria cho phép tiêu hủy kho vũ khí hóa học của họ.
Về phần mình, Tổng thống Putin nói ông hy vọng trong tương lai gần nhất sẽ tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả 2 bên nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Theo TTXVN